Việc áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 khiến nhiều người dân TP.HCM lo lắng, đi mua hàng thực phẩm để dự trữ khiến giá các loại rau, thịt, cá đồng loạt tăng vọt tại các chợ, lượng người mua đông hơn so với trước.
Giá rau củ tăng gấp 3 lần so với ngày thường
Ghi nhận của PV VTC News chiều 8/7 tại chợ Thảo Điền, TP Thủ Đức, người dân đến mua sắm được phát phiếu, mỗi lần vào chợ phải đo thân nhiệt, khai báo y tế và giới hạn lượt mua sắm.
Theo ghi nhận, giá các loại thịt, cá, rau, củ đều tăng mạnh. Giá dưa leo lên 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; rau mồng tơi 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; giá rau cải xanh, cải ngọt ở mức 30.000-40.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg so với thời điểm một tuần trước; xà lách 60.000 đồng/kg, bắp cải tăng vọt lên 40.000 đồng/kg, khổ qua 50.000 đồng/kg...
Song song đó, giá thịt heo, cá tại chợ truyền thống cũng tăng mạnh. Thịt ba rọi ở mức 150.000-160.000 đồng/kg, nạc vai 130.000-140.000 đồng/kg; cá lóc tăng gấp đôi ngày thường lên 130.000 đồng/kg; tôm 240.000 đồng/kg; cá nục 150.000 đồng/kg...
Một số tiểu thương bán hàng rau củ cho biết, dù nhập bao nhiêu hàng cũng bán hết nhanh, nhưng do lo lắng nên chỉ dám nhập những hàng hóa có thể trữ lâu như củ, quả, còn mặt hàng rau lá nhập rất hạn chế. Hơn nữa, chợ đầu mối đóng cửa, hàng về khan hiếm, quá trình vận chuyển rau củ, thịt, cá trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Do đó, giá bị đẩy lên.
"Các loại rau lá như cải ngọt, mồng tơi, cải cúc... giá chợ lẻ rất cao, có mặt hàng tăng gấp đôi, gấp ba nên tôi khuyên bà con vào siêu thị mua để có hàng tốt, giá hợp lý", chị Huệ bán rau ở chợ Thảo Điền chia sẻ.
Chợ An Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM đóng cửa, nhiều điểm bán lưu động của tiểu thương xuất hiện ven đường, người bán lẫn người mua đều mua nhanh, bán nhanh vì sợ lực lượng chức năng. Giá cả theo đó cũng bị đẩy lên cao.
"Do chợ bị tạm nghỉ nên tôi tranh thủ bán ở đây. Hàng không thiếu, gọi là người ta cung cấp ngay, nhưng người ta cứ đẩy giá lên gấp 3-4 lần thế này tôi cũng sốt ruột", chị Hạnh tiểu thương bán rau trước chợ An Hội cho biết.
Sở Công Thương cam kết cung ứng đủ hàng hóa
Tại các siêu thị cũng ghi nhận lượng khách hàng đến mua sắm khá đông, nhiều nơi lượng khách còn tăng gấp đôi so cùng khung giờ ngày thường.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, hiện việc cung ứng hàng hóa cho người dân gặp rất nhiều khó khăn như số lượng điểm bán giảm, lực lượng lao động thiếu hụt do bị cách ly tập trung hoặc tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Các địa phương tỉnh, thành bạn giám sát chặt chẽ việc vận chuyển hàng hóa đi về thành phố, đưa ra nhiều quy định kiểm soát như cách ly lái xe, người vận chuyển, yêu cầu xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR…tác động trực tiếp làm tăng chi phí, gián đoạn việc cung ứng hàng hoá.
Trước tình hình thành phố chuẩn bị áp dụng Chỉ thị 16, người dân tiếp tục tập trung đông người để mua sắm, dự trữ hàng hóa tại các điểm mua bán, dẫn đến tình trạng sức mua gia tăng đột biến, vượt quá năng lực cung ứng tạm thời của doanh nghiệp.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã ghi nhận tình trạng giá cả nhiều mặt hàng có hiện tượng tăng mạnh, lợi dụng sự thiếu hụt hàng hóa nhất định trong một số thời điểm.
"Vấn đề lúc này là người dân mua sắm một cách khoa học, không mua gom hay tích trữ quá nhiều. Các siêu thị đang tiếp tục phối hợp và hỗ trợ nhà cung cấp để hoạt động vận chuyển hàng hóa được thông suốt, đảm bảo phục vụ khách hàng kịp thời", Sở Công Thương TP.HCM khẳng định.
Sở Công Thương cam kết sẽ nỗ lực hết sức, khắc phục khó khăn để cùng với các đối tác chuẩn bị và cung ứng đầy đủ hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố trong thời gian giãn cách xã hội.
Bình luận