• Zalo

Số ca COVID-19 Hà Nội thay đổi thế nào sau gần một tháng giãn cách?

Tin tứcThứ Tư, 18/08/2021 10:51:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau gần một tháng giãn cách theo Chỉ thị 16, số mắc COVID-19 ở Hà Nội thay đổi thế nào?

Theo số liệu báo cáo của CDC Hà Nội, trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách, thành phố tiếp tục ghi nhận thêm ổ dịch mới, gần đây nhất là ổ dịch công ty Thực phẩm Thanh Nga (Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) và công trường xây dựng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. 

Trong lần giãn cách toàn thành phố đợt 2 (ngày 8/8), số ca dương tính tại Hà Nội lúc tăng, lúc giảm nhưng so với đợt 1 đã giảm đáng kể. Đáng chú ý là các ngày 11/8, 15/8 và 16/8, ca mới ở mức 40, 41 và 35. Có thời điểm như chiều 15/8, Hà Nội không ghi nhận trường hợp dương tính.

Đến nay tuy số ca bệnh của Hà Nội vẫn ở mức cao, trung bình từ 58 ca/ngày nhưng nhìn chung sau gần 1 tháng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, số ca COVID-19 Hà Nội bắt đầu có chiều hướng tích cực.

Số ca COVID-19 Hà Nội thay đổi thế nào sau gần một tháng giãn cách? - 1

Số ca mắc ở Hà Nội từ ngày 24/7 đến 17/8, theo số liệu CDC Hà Nội. (Biểu đồ: Hà Cường)

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội cũng cho biết, số bệnh nhân một tuần qua tại Hà Nội giảm nhưng chưa mạnh và không bền vững, bởi vẫn ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao.

“Chúng tôi hy vọng việc mở rộng xét nghiệm Hà Nội có thể 'bắt' hết được F0 đang rải rác trong cộng đồng. Hy vọng trong đợt giãn cách lần 2 sẽ giải quyết được vấn đề này”, ông Tuấn nói.

Nhờ nỗ lực của cả thành phố, các chùm ca bệnh ghi nhận trên địa bàn đều được xử lý. Thành phố cũng đang “thần tốc” xét nghiệm cho những vùng có nguy cơ và tăng tốc tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Hà Nội vẫn ghi nhận số bệnh nhân mới nhưng phần lớn đều là F1, được cách ly từ trước, hoặc ca bệnh ghi nhận trong khu vực được phong toả. Nhiều ngày qua Hà Nội cũng không ghi nhận thêm ổ dịch mới.

Số ca COVID-19 Hà Nội thay đổi thế nào sau gần một tháng giãn cách? - 2

Sau gần 1 tháng giãn cách theo Chỉ thị 16, số ca COVID-19 của Hà Nội bắt đầu giảm.

Nhận định về tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội những ngày qua, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, thành phố đã đưa ra những biện pháp kiểm soát sớm và quyết liệt để dịch không bùng lên  những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Điều này cho thấy kết quả bước đâu và sự nỗ lực cố gắng nhiều ngày của cả hệ thống chính trị cùng người dân.

Hà Nội không thể lập tức đưa số ca COVID-19 trở về 0 ngay, nhưng thời gian qua, nhờ chiến lược đúng hướng, thành phố đã hạn chế được khả năng lây lan cũng như cắt đứt được nguồn lây hiệu quả.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh ở Hà Nội vẫn còn cao. Điều này thể hiện qua các xét nghiệm sàng lọc, thành phố vẫn ghi nhận những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng. Thậm chí, một số nơi xảy ra hiện tượng phong toả chưa chặt, người dân trong khu phong toả vẫn đi lại, gặp gỡ nhau…

Theo ông Phu, thời gian tới Hà Nội cần tiếp tục triển khai xét nghiệm diện rộng, tập trung vào nhóm đối tượng và địa bàn nguy cơ cao. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, siêu thị, địa bàn dân cư cần phải thực hiện nghiêm việc giãn cách. Người dân tuân thủ đúng 5K của Bộ Y tế, phối hợp với cơ quan chức năng để phòng, chống dịch được hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tận dụng khoảng thời gian này để tăng tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 sao cho độ bao phủ càng lớn càng tốt.

“Việc tiêm vaccine COVID-19 không chỉ dành cho người hộ khẩu Hà Nội mà phải tiêm cho người sống trên địa bàn thành phố. Bởi dịch có thể lây lan cho mọi người. Hà Nội cần rà soát xem mọi người đăng ký tiêm hết chưa để bao phủ”, ông Phu nói.

Nhận định dịch thời gian tới, ông Phu cho hay, Hà Nội đã trải qua hơn nửa thời gian giãn cách đợt 2. Sau đợt này, Hà Nội nên có những bước nới lỏng thận trọng. "Dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, nếu tháo bỏ các quyết định giãn cách ngay, dịch rất dễ xâm nhập. Chúng ta nên nới lỏng dần dần, tính toán nới khu nào, nới hoạt động gì. Vùng nào đang phong tỏa do có nguy cơ cao thì cần tiếp tục phong tỏa chặt. Song song với đó, Hà Nội phải lưu ý bảo vệ, nhân rộng vùng xanh. Nếu mất vùng xanh, dịch sẽ lại bùng phát”, chuyên gia này chia sẻ.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.313 người dương tính SARS-CoV-2, trong đó ca ngoài cộng đồng là 1.233 ca, số ca được cách ly là 1.080.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp