Sau nhiều tháng mòn mỏi chờ đợi, ngày 27/4, T.M. (sinh viên năm 2, khoa Sư phạm, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cuối cùng cũng nhận được 4 tháng tiền hỗ trợ sinh hoạt phí theo Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ.
Tuy nhiên, M. cho biết, đây mới chỉ là một phần hỗ trợ em được nhận, bởi tính đến trước ngày 27/4, dù học gần hết năm thứ 2, em mới chỉ nhận được 4 tháng tiền hỗ trợ sinh hoạt của học kỳ 1 năm nhất.
"Cộng thêm lần này, em mới nhận được 8 tháng trên tổng số 13 tháng thực học. Dù vui, em vẫn lo không biết khi nào mới được nhận những đợt hỗ trợ tiếp theo bởi lần nhận gần nhất cũng cách đây hơn 4 tháng, có đợt còn cách nhau tận 9 tháng", M. chia sẻ.
Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 116 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học các ngành đào tạo giáo viên, thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Theo đó, ngoài được hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng (không quá 10 tháng/năm học). Kinh phí này từ nguồn ngân sách hàng năm chi cho giáo dục, đào tạo của các địa phương, bộ, ngành, không phải do trường đại học chi trả.
Tuy nhiên, dù có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 và áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022, đến nay, quá trình triển khai vẫn gặp nhiều bất cập khiến không riêng M., nhiều sinh viên sư phạm khác cũng bị chậm nhận, thậm chí chưa nhận được tiền hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí.
Việc chậm nhận khiến sinh viên thất vọng
M. cho biết, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, không thu học phí của sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, việc chậm nhận hỗ trợ khiến nữ sinh này gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập.
Hiện tại, thời gian rảnh, M. phải tranh thủ đi làm thêm để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, mỗi tháng cũng chỉ được 1 triệu đồng. Sắp tới, M. sẽ đi trải nghiệm thực tế và tham gia học quân sự, số tiền phải đóng với M. không hề nhỏ. Chính vì vậy, khi chậm nhận trợ cấp, nữ sinh rất lo lắng.
“Năm vừa rồi, kinh tế gia đình em suy thoái, mỗi tháng xin tiền sinh hoạt, em thương bố mẹ lắm. Bây giờ nhà trường chi trả thêm 4 tháng, dù chưa đủ, em cũng yên tâm phần nào. Tuy nhiên, việc chậm trễ vẫn khiến em thất vọng và bức xúc. Bây giờ em có thể tạm ổn, nhưng thời gian sau mà vẫn chậm như vậy, không biết em xoay xở thế nào", M. chia sẻ.
Tương tự, N.P. (sinh viên khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết dù đã học gần hết năm nhất, ngày 27/4, em cũng mới nhận được hỗ trợ sinh hoạt của 3 tháng đầu tiên.
“Thời gian vừa rồi, chúng em bất lực chờ đợi, không biết phải làm thế nào. Khi hỏi nhà trường, câu trả lời nhận về luôn là nhà trường không quyết định được nguồn kinh phí, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách Chính phủ”, P. nói và thắc mắc việc sinh viên ở một số trường khác đã nhận đủ hoặc gần đủ tiền hỗ trợ, trong khi đó, trường em lại chậm hơn.
Không riêng sinh viên trường Đại học Giáo dục, tại Đại học Thủ đô Hà Nội, tháng 8/2022, hơn 500 sinh viên (khóa tuyển sinh năm 2021) cũng phản ánh việc chưa được nhận hỗ trợ sinh hoạt dù năm học 2021-2022 đã kết thúc.
Bước sang năm học 2022-2023, số sinh viên này cùng sinh viên khóa tuyển sinh năm 2022 tiếp tục tình trạng trên bởi sau nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, Đại học Thủ đô Hà Nội vẫn chưa nhận được kinh phí để trả cho sinh viên.
Đến tận tháng 3 năm nay, Hà Nội mới có quyết định về việc giao bổ sung kinh phí cho Đại học Thủ Đô Hà Nội để cấp cho sinh viên. Hiện Sở Tài chính đã đưa vào dự toán ngân sách và đang đợi chi.
Trường học mắc kẹt ở giữa
Trao đổi với Zing, đại diện lãnh đạo trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết năm học 2021-2022, số sinh viên sư phạm trúng tuyển nhập học vào trường là 646 em. Năm học 2022-2023, con số này là 385 em.
Phần lớn sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định 116, nhưng đều bị chậm nhận. Trước ngày 27/4, sinh viên tuyển sinh năm 2021 mới nhận 2 đợt hỗ trợ vào tháng 3/2022 (số tiền 10,89 triệu đồng, tương ứng với 3 tháng) và tháng 12/2022 (3,63 triệu đồng, tương ứng với một tháng). Trong khi đó, sinh viên tuyển sinh năm 2022 chưa nhận tháng nào.
Bên cạnh đó, một số ít sinh viên theo diện đặt hàng các tỉnh Hà Giang và Lạng Sơn cũng bị chậm nhận các khoản tiền hỗ trợ từ các tỉnh.
Lý giải về việc chậm trễ trên, đại diện nhà trường cho biết kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 116 hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách Chính phủ, nhà trường là đơn vị ở giữa, nhận được kinh phí rồi mới chi trả hỗ trợ phí sinh hoạt cho các em.
Tuy nhiên, Nghị định 116 đang gặp khó khăn khi xây dựng cơ chế giá theo yêu cầu của Bộ Tài chính, rồi mới được đấu thầu, giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Điều này khiến việc thẩm định, phê duyệt và giải ngân của các địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhà trường đã nhiều lần làm việc với các đơn vị liên quan để tháo gỡ.
Theo lãnh đạo nhà trường, đến đầu tháng 4, trường mới nhận quyết định phân kinh phí đợt 1/2023, trong đó có kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm. Nhà trường đã khẩn trương làm thủ tục và chi trả cho các em đã đăng ký.
“Nhà trường cam kết kinh phí hỗ trợ được cấp bao nhiêu sẽ chi trả hết đến đó. Theo kinh phí được nhận, trường chi trả nốt số tháng còn thiếu trong năm đầu tiên của khóa tuyển sinh năm 2021. Năm đầu tiên của khóa tuyển sinh 2022 và năm thứ 2 của khóa tuyển sinh 2021, trường điều tiết chi trả cho các em 3 tháng", đại diện nhà trường cho biết.
Giải thích về việc “sinh viên sư phạm có trường được nhận sớm, có trường bị chậm", đại diện nhà trường cho biết hầu hết trường sư phạm đều gặp khó khăn giống Đại học Giáo dục, kể cả các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT và các trường sư phạm thuộc tỉnh/thành phố.
Một số trường địa phương thuận lợi hơn trong việc giao nhiệm vụ của tỉnh như Đại học Hùng Vương, Đại học Hồng Đức... nhưng cũng có trường hợp khó do không được địa phương đặt hàng và không được giao nhiệm vụ từ ngân sách trung ương.
Bên cạnh đó, việc cấp kinh phí cũng phụ thuộc cơ chế phân bổ tài chính của mỗi đơn vị chủ quản. Chính vì vậy, cơ chế tài chính khi áp dụng Nghị Định 116 cho mỗi trường cũng khác.
Chính sách hay nhưng còn “tắc”
Trao đổi với Zing, đại diện lãnh đạo trường Đại học Giáo dục đánh giá Nghị định 116 là hoàn toàn nhân văn, tạo sức hút trong tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm, đồng thời xây dựng đội ngũ giáo viên ra nghề có chất lượng tốt. Tuy nhiên khi đưa vào triển khai, nhiều vấn đề chưa được tháo gỡ.
“Khi Nghị định 116 được ban hành, đi kèm với đó là một loạt chính sách khác, tạo thành một tổ hợp phức tạp, khó có thể xử lý”, đại diện nhà trường nói.
Theo vị này, cái khó nhất hiện nay là đặt hàng đào tạo. Dù các địa phương đặt hàng, sinh viên tốt nghiệp quay về địa phương vẫn phải qua tuyển dụng theo hình thức cạnh tranh (thi tuyển hoặc xét tuyển).
Nếu không trúng tuyển vào được các cơ sở giáo dục, theo quy định, sinh viên phải hoàn lại số tiền được hỗ trợ. Tuy nhiên, các địa phương sẽ gặp khó khi thu hồi khoản tiền trên.
Như vậy, cơ chế chính sách phức tạp khiến các địa phương dè dặt trong việc đặt hàng đào tạo giáo viên cho địa phương mình, giải thích cho việc chỉ tiêu khóa tuyển sinh năm 2021 lớn nhưng năm sau lại giảm.
Đại diện Đại học Giáo dục nhận định việc chậm nhận kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường đại học, đồng thời nhận sức ép lớn từ sinh viên.
Nhà trường hiện phải lấy nguồn kinh phí đào tạo khác để tạm dùng cho việc đào tạo sư phạm, trong đó có hỗ trợ không thu học phí của sinh viên. Với số lượng sinh viên sư phạm của 2 năm, trong thời điểm hiện tại, nhà trường vẫn có thể cân đối trong đào tạo. Tuy nhiên, nếu các vướng mắc không được giải quyết sớm, nhà trường e sẽ khó khăn hơn nhiều, nhất là việc tuyển sinh đầu vào.
“Bộ GD&ĐT và các đơn vị liên quan cũng triển khai rất tích cực. Bên cạnh đó, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia, cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên, các em cũng hiểu và chia sẻ với khó khăn chung”, vị đại diện nói và đề xuất việc chi trả kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí nên quy về một mối thay vì phân về từng địa phương, bộ, ngành.
Bình luận