• Zalo

Sinh viên ra trường phải ‘chạy việc’, giáo viên trẻ ‘mai phục’ vào biên chế

Giáo dụcThứ Hai, 21/08/2017 14:50:00 +07:00Google News

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra thực tế nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm và  “chạy” việc rất khó, trong khi nhiều giáo viên trẻ phải “mai phục” để vào biên chế.

Phát biểu tại lễ tổng kết năm học 2016-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết nhiều vùng còn khó khăn và còn rất nhiều tấm gương thầy cô tốt, rất đáng trân trọng.

“Chúng ta trân trọng sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên trong ngành giáo dục”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng việc quản trị nhà nước ở các cấp học còn nhiều quy định cứng nhắc, cầm tay chỉ việc và không còn phù hợp.

vu duc dam 6

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu sáng 21/8.

“Chẳng hạn ĐH đã có quy định tự chủ và được khuyến khích cấp học bổng cho con em nghèo nhưng vẫn còn quy định phải cấp học bổng cho học sinh ở mức 8% tính từ trên xuống dưới”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, ở TP.HCM, việc xét lương, chuẩn giáo viên mầm non... còn bất cập mà không chịu sửa.

Thứ hai, chúng ta đã bước đầu làm chương trình và SGK nhưng nhận thức còn hạn chế, triển khai chậm, từ khâu lo dự án đến kiện toàn hệ thống bộ máy chuẩn bị, đặc biệt, chậm thấm xuống bên dưới.

“ Lẽ ra ngay từ đầu, khi bàn đến đổi mới thế nào, cần phải thấm đến từng Sở GD-ĐT, các trường sư phạm”, Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, ngành giáo dục chưa chú ý đến toàn diện việc dạy người và dù đã có một số chương trình nhưng chưa đủ.

“Nhiều nơi trường xây rất to nhưng mạng nhện đầy, cỏ mọc đầy, còn nhiều tiêu cực, tệ nạn trong học sinh”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng nhắc tới câu chuyện thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều nơi. “Chẳng hạn, giáo viên mầm non đang rất thiếu trong khi một số giáo viên khác rất thừa và chưa có kế hoạch bồi dưỡng để chuyển đổi. Như vậy, thiếu thì vẫn thiếu và thừa vẫn thừa. Cái này là trách nhiệm của từng lãnh đạo địa phương”, Phó Thủ tướng nói.

Trước những tồn tại nêu trên, Phó Thủ tướng cho rằng ngay mẫu giáo đến tiểu học cần phải được dạy những thứ liên quan đến luân thường đạo lý rất cơ bản của người Việt.

“Ngày xưa học sinh gặp người lớn còn khoanh tay chào nhưng hiện nay chẳng nhẽ cứ hội nhập công dân toàn cầu là bình đẳng hết? Chúng ta phải dạy học sinh từ những thứ rất nhỏ như trực nhật, dọn vệ sinh trong lớp, vườn trường...Học sinh chưa biết yêu lao động thì sẽ khó trân trọng những người lao động.

Phải giáo dục những thứ rất thiết thực từ yêu bố mẹ người thân, đến yêu đất nước, yêu làng xóm rồi mới thành công dân toàn cầu.

Suy cho cùng, quanh đi quẩn lại là làm sao dạy các cháu có tấm lòng và thành người tốt rồi đến trí tuệ, có lòng yêu nước thương nòi. Các cụ nói, dạy con từ thuở còn thơ, nên đặc biệt chú trọng vào cấp tiểu học vì các cháu còn bé”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

hoi nghi tong ket gd 1

 

Phó Thủ tướng cũng kêu gọi các phụ huynh học sinh nên tăng cường tham gia, chia sẻ với giáo viên trong việc rèn dạy con.

“Thứ hai, chúng ta rà hết để bãi bỏ các quy định cứng nhắc kiểu cầm tay chỉ việc, không phát huy được tính sáng tạo ở bên dưới, đặc biệt những quy định có tính hình thức.

Thứ ba, theo đúng tinh thần tự chủ, phải xuống đến từng bộ môn. Trước hết, Bộ phải bãi bỏ những quy định chứng nhắc. Thứ hai, Bộ đang chủ quản mấy chục trường, vậy nên xóa bỏ vai trò chủ quản đi. Bộ GD-ĐT phải gương mẫu làm trước”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Video: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu giải pháp giải quyết tình trạng thí sinh "quay lưng" với ngành sư phạm

Đối với chương trình mới và SGK, các Sở GD-ĐT cần phải rà soát lại và trình ra hội đồng những việc cần làm để đề ra những giải pháp tích cực nhất. Đổi mới một lần nhưng áp dụng nhiều năm nên phải làm khẩn trương và chất lượng.

“Thứ năm, chương trình mới có rồi thì phải tập huấn giáo viên về việc đổi mới, từ đô thị đến nơi xa xôi. Giáo viên tốt thì học sinh mới được nhờ”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng không có ngành nào lại dễ dàng dự báo số lượng nhân lực của ngành như giáo dục nên việc thừa giáo viên là rất khó hiểu.

“Thực trạng bây giờ, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, “chạy” việc rất khó. Nhiều cháu làm giáo viên nhiều năm nhưng thậm chí phải “mai phục” để vào biên chế”, Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, các vấn đề về cơ sở vật chất, đổi mới thi cử và đối mới khai giảng cũng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn