Tâm lý nôn nóng mau chóng kiếm tiền dịp Tết, không ít những đối tượng lợi dụng thời điểm này “tung' ra các chiêu lừa khiến sinh viên “sập bẫy”.
Tranh thủ những ngày nghỉ trước Tết, nhiều sinh viên các tỉnh chấp nhận ở lại thành phố làm thêm. Tuy nhiên, cũng chính vì thiếu hiểu biết và tâm lý nôn nóng mau chóng kiếm tiền dịp Tết, không ít những đối tượng lợi dụng thời điểm này “tung' ra các chiêu lừa khiến sinh viên “sập bẫy”.
Cắn răng ở lại làm thêmSV làm thêm
Hiểu được tâm lý này, các cửa hàng, shop thời trang, quán ăn, quán nước… đều đồng loạt treo bảng “cần tuyển nhân viên bán hàng cận Tết”. Mà mức lương trả cho mỗi người theo ca chỉ có vài chục nghìn, không bao cơm, làm xong đến giờ dọn hàng là phải đi về.
Tính ra thu nhập cao nhất của mỗi sinh viên làm thêm dịp Tết ở các cửa hàng chỉ vài trăm hay một triệu là cao. Những công việc làm thêm Tết quen thuộc đối với sinh viên là những công việc thời vụ như bán bánh kẹo Tết, bán quất, bán hàng hội chợ Tết, lau dọn nhà cửa...
Thắng, ĐH Kiến Trúc, đang làm thêm tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi. Dịp này, quán đông khách hơn, nên Thắng dự định làm đến giáp ngày 30 Tết mới về quê. Cậu bảo: “Làm những ngày giáp Tết, lương sẽ cao gấp đôi, gấp ba ngày thường, nên nếu mình cố chút sẽ có thêm tiền mang về nhà”.
Hay Trang (SV trường ĐH Hà Nội) đã bắt đầu đi làm hơn một tuần nay tại một cửa hàng thời trang. Cứ sáng đi học, chiều lại chạy ù như “tên bay” đến nơi làm việc. Công việc ở đây cũng không mấy cực, chiều đến Trang có trách nhiệm kiểm hàng, đứng bán, phục vụ khách cho đến 10h là có thể ra về. “Có hôm trường thêm tiết kéo sang buổi chiều là Trang phải đành xin vắng trực để đến trường học, thành ra có mấy lần Trang bị bà chủ mắng và muốn đuổi việc. Mà cận Tết thế này, sinh viên nhiều, việc làm có khi phải xếp hàng để đợi mà còn bị đuổi thì biết đến bao giờ mới tới phiên mình”. Trang chia sẻ.
Còn Hà, (ĐH Thương Mại ) đang bán hàng cho hội chợ Tết, lại có mức lương chỉ 50 nghìn/buổi. “Trường mình nghỉ Tết khá sớm, thời gian nghỉ dài nên mình tranh thủ đi làm lấy tiền về tiêu Tết”. Vừa làm, Hà vừa lo, vì người chủ bảo sau 20 ngày mới trả tiền công, mà đã có nhiều trường hợp quỵt lương của sinh viên.
Bạn Nguyễn Xuân Trường, sinh viên trường Đại học Điện lực lần đầu làm thêm dịp Tết kể: “Mình xin được việc bán quất và bán cây cảnh trên đường Bưởi với mức lương 150.000 đồng/ngày và nuôi ăn trưa. Lúc đầu mình cũng hơi lo lắng nhưng mình khá có duyên bán hàng nên bây giờ mình thấy công việc cũng không khó khăn cho lắm.” Cũng là mưu sinh, tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập dịp tết, nhưng trường hợp của Mai (SV năm nhất, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) lại đầy ấm ức. Mai làm cho một cửa hàng bán quần áo trên đường Cầu Giấy từ mấy tháng nay.
Mỗi tháng trả lương chủ đều giữ lại 300 nghìn “tiền đặt cọc”. Nếu bỏ về trước ngày 29 thì sẽ mất việc, không được trả lương và tất nhiên là mất luôn tiền đặt cọc. Mai ngồi ngẩn ngơ khi bạn cùng phòng đã về quê ăn tết: “Mẹ mình đang ốm, nhà lại neo người. Nhưng nếu về bây giờ thì mất hết. Dù lương thấp cũng đành cắn răng ở lại”.
Mặc sức “tung” chiêu lừa
Chỉ cần click chuột, đăng nhập vào những trang web tuyển dụng, tìm việc làm tết là dân sinh viên nhà mình có thể thấy đầy rẫy những dòng tin với các tít to đùng, hấp dẫn như: “Việc làm bán thời gian cho sinh viên dịp tết, thu nhập cao”, “Ai cần việc part - time nhào dzô” hoặc “làm ca, lương 200.000đ/ca”… Chỉ vì một chút tò mò, thiếu hiểu biết là không ít sinh viên sẽ tin vào những dòng “trời ơi đất hỡi” này với hi vọng sẽ kiếm được một công việc nhàn hạ mà lương lại cao.
Tại các địa điểm như: bến xe bus, cổng trường đại học, cao đẳng,… thậm chí cả trong các trường học, những tờ rơi, quảng cáo với nội dung: tuyển gấp, tuyển nhân viên bán hàng dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán cũng được dán một cách dày đặc. Cách thức thu hút và hấp dẫn của những tờ rơi “tuyển gấp” đối với sinh viên rất đa dạng, đánh trúng tâm lí của sinh viên. Với khung thời gian làm việc ít, thoải mái, áp lực công việc lại không nhiều, nhưng lại nhận được mức lương từ: 1,8 triệu/tháng, 2 triệu/tháng, hay lên đến 3 - 4 triệu/ tháng… khiến nhiều sinh viên háo hức và mong muốn tìm ngay đến địa chỉ trong tờ rơi để tìm việc. Trên thực tế, không thiếu những sinh viên bị mắc bẫy những trung tâm việc làm “dởm”.
Thúy chia sẻ, năm ngoái mình cũng tìm việc làm thêm tết qua những tin rao trên mạng, lần theo thông tin mình tìm đến một trung tâm việc làm nằm sâu trong ngõ 110, Bạch Mai, Hà Nội, trung tâm chỉ có một người con trai và một cô gái đang đánh máy gì đó. Họ yêu cầu nộp 50 nghìn tiền làm hồ sơ, rồi sau đó nộp 200 nghìn tiền môi giới và hứa ngay ngày mai sẽ đi làm. Anh nhân viên cũng nhắc luôn, mai đi làm thì cầm theo 200 nghìn nữa, đó là tiền chi phí cho trang phục làm việc.
Nói đến đây, Thúy biết mình bị lừa nhưng đành ngậm ngùi ra về, bỏ lại 250 nghìn cho trung tâm “lừa”. Đi làm thêm trong dịp Tết cũng không thiếu lúc phải khóc hết nước mắt.
Hạnh, SV một trường cao đẳng kể lần đầu xin làm chân phục vụ ở một nhà hàng với thu nhập 100.000 đồng/ca, từ 16 giờ đến 22 giờ, thi thoảng cũng nhận được tiền boa của khách nên cũng có đồng ra đồng vào. Mấy đêm đầu tốt đẹp không có gì xảy ra. Đến đêm thứ 3 thì một ông khách say mèm ôm chặt lấy Hạnh.
Quá bất ngờ, Hạnh vùng vẫy làm đổ thức ăn vào người khách. Ông khách bù lu bù loa, quản lý nhà hàng chẳng nói chẳng rằng chạy đến giáng thẳng vào mặt Hạnh một bạt tai và kêu bảo vệ tống ra đường, mất luôn cả tiền công.
Nhu cầu tìm việc partime dịp gần Tết trong cộng đồng sinh viên thường rất cao và chủ yếu hấp dẫn bởi tiền lương, chứ không mang lại nhiều kinh nghiệm cho sinh viên. Thế nhưng, khi nhận việc làm, sinh viên cần đề phòng những thông tin tuyển dụng không rõ ràng được ghi mức lương hấp dẫn, vì rất dễ bị lừa khi họ không trả lương sau khi làm việc, hoặc bắt đặt cọc tiền trước khi làm việc rồi sau đó bặt vô âm tín.
Theo VNN
Bình luận