Quý IV/2017, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt đưa ra các quy định hạn chế tín dụng bất động sản. Trong đó, đáng chú ý, thông tư 19/2017/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, công văn số 563/NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng.
Theo đánh giá của một số chuyên gia bất động sản, Thông tư trên sẽ là động lực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các giải pháp phù hợp để phát triển bền vững, thích ứng với môi trường kinh doanh mới.
Sắp tới các ngân hàng sẽ hạn chế nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, chuyển từ mức 60% xuống còn 40%. Đồng thời, tỷ lệ rủi ro cho vay bất động sản cũng được tăng từ 150% lên 250% theo quy định của Thông tư 06. Như vậy dòng vốn sẽ được siết lại.
Tuy nhiên, việc siết vốn chưa chắc là tín hiệu xấu cho bất động sản mà nhờ đó thị trường có thể được định hình lại, tái cơ cấu tốt hơn.
Ngoài ra, việc ngân hàng siết chặt nguồn vốn trung dài hạn thì doanh nghiệp bất động sản sẽ tìm đến kênh khác đa dạng hơn như chứng khoán và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thực tế, từ cuối 2017, có khoảng 60 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây được xem là kênh tìm vốn hợp lý, bởi nguồn vốn cho bất động sản thường lớn và dài hạn, trong khi các ngân hàng đang có xu hướng siết chặt tín dụng vào lĩnh vực này.
Không những thế, huy động vốn qua chứng khoán còn giúp đa dạng hóa nguồn lực, qua đó giảm thiểu rủi ro cho chính các doanh nghiệp bất động sản.
Video: Những lưu ý khi mua nhà đất tránh sập bẫy lừa
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Vincom Retail (VRE), Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI), Công ty Cổ phần Đầu tư Everland (EVG), Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn Co.op (SID), Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC), Công ty Cổ phần Kosy (KOS); CEO Group đã phát hành thành công 51,5 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/ cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 1.544 tỷ đồng.
Hai quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam là Dragon Capital và VinaCapital trở thành cổ đông chiến lược với Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (Cen Land) - Tập đoàn CENGROUP. Cũng trong tháng 12/2017, Dragon Capital cũng chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) với tỷ lệ cổ phần tham gia là 15% vốn điều lệ.
Ngoài ra, còn có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản khác đang chuẩn bị thủ tục để niêm yết như Công ty Cổ phần Landmark Holding cũng đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HoSE; Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát cũng công bố kế hoạch lên sàn trong năm 2018.
Với vốn điều lệ trên 1.500 tỷ đồng, kết quả lợi nhuận năm 2017 đạt hơn 300 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) khoảng 4.000 đồng, Hải Phát tự tin mức giá khi lên sàn có thể lên tới trên 40.000 đồng/cổ phiếu...
>>> Đọc thêm: Hanoitourist đầu tư ngoài ngàn tỷ, rút vốn khỏi dự án đất vàng
Bình luận