Ngàn tỷ đầu tư ngoài doanh nghiệp
Theo kết luận mới được Thanh tra Bộ Tài chính ban hành, tại thời điểm 31/12/2016, Hanoitourist đã đầu tư vào 2 công ty con số tiền hơn 135 tỷ đồng, tương đương 9,5% đầu tư tài chính dài hạn.
Trong đó, đầu tư vào CTCP Du lịch và thương mại Dân chủ hơn 132,8 tỷ đồng (bằng 51% vốn góp), chia làm hai đợt, vào các năm 2004 (hơn 40,8 tỷ đồng) và 2016 (hơn 91,8 tỷ đồng).
Trong năm tài chính 2016, khoản đầu tư này mang lại cho Hanoitourist hơn 15,8 tỷ đồng tiền lãi nhưng lỗ lũy kế đến cuối năm là 116,5 tỷ đồng, khiến Công ty mẹ - Tổng Công ty phải trích lập dự phòng hơn 40,8 tỷ đồng.
Hiện, Hanoitourist cũng đầu tư vào CTCP Thương mại du lịch Thanh Niên Hà Nội 2,5 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn 51%. Nhưng cũng như tại CTCP Du lịch và thương mại Dân chủ, năm 2016, Hanoitourist lãi hơn 106 triệu đồng song chịu lỗ lũy kế hơn 830 triệu đồng. Khoản lỗ này, Hanoitourist chưa trích lập dự phòng.
Vẫn theo kết luận thanh tra, Hanoitourist đang đầu tư vào 14 công ty liên kết số tiền hơn 1.260 tỷ đồng, bằng 88,9% đầu tư dài hạn.
Tại bảng kê các khoản đầu tư tà chính ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ và 5 đơn vị gồm Công ty cổ phần (CTCP) Du lịch và thương mại Dân chủ, CTCP Thương mại du lịch Thanh niên Hà Nội, CTCP Dịch vụ giải trí Hà Nội, CTCP Du lịch dịch vụ Hà Nội, CTCP Thăng Long GTC, giá trị đầu tư tại thời điểm 31/12/2016 của Công ty mẹ - Tổng Công ty là hơn 3.191 tỷ đồng.
Lợi nhuận thực hiện trong 2016 là âm hơn 192 tỷ đồng, lợi nhuận lũy kế đến 31/12 cùng năm là hơn 3.040 tỷ đồng.
Khoản trích lập dự phòng của Công ty mẹ - Tổng Công ty tại thời điểm 31/12/2016 là hơn 66,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều khoản đầu tư vào doanh nghiệp liên kết bị âm cả lợi nhuận thực hiện lẫn lợi nhuận lũy kế, như tại Công ty TNHH Làng Đoàn Kết, Công ty TNHH Du lịch và thương mại Hoàn Kiếm, CTCP Du lịch Hà Nội – Hạ Long.
Rút vốn khỏi dự án đất vàng
Hanoitourist đang đầu tư 25 tỷ đồng, tương ứng 25% tỷ lệ vốn góp vào CTCP Đầu tư và dịch vụ du lịch Thăng Long - doanh nghiệp được thành lập nhằm thực hiện dự án xây dựng Tòa nhà Thương mại dịch vụ, khách sạn tại khu đất vàng 198 Trần Quang Khải, Hà Nội.
Khu đất này có tổng diện tích hơn 2.270m2, trong đó đất sử dụng cho dự án khoảng 1.210,6m2, phần còn lại thuộc về Hanoitourist. Hiện trạng trên đất là nhà 2 tầng và nhà 3 tầng sẽ được phá dỡ khi triển khai dự án.
Đáng chú ý, trong khu đất này có diện tích 50,6m2 nằm trong chỉ giới đỏ, không được xây dựng công trình, khi Nhà nước thu hồi phải bàn giao lại theo quy định. Không chỉ vậy, hiện khu đất còn có khoảng 36,5m2 là đất sử dụng chung, tầng 1 thuộc quyền sở hữu của tư nhân, CTCP Đầu tư và dịch vụ du lịch Thăng Long chỉ được sử dụng từ tầng 2 trở lên. Ngoài ra, còn có khoảng diện tích 14m2 chưa giải tỏa, được người dân sử dụng.
Hiện, dự án đang bị chậm tiến độ 1 năm và đang trong giai đoạn xin ý kiến Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội.
Theo tư liệu, CTCP Đầu tư và dịch vụ du lịch Thăng Long có vốn điều lệ 100 tỷ đồng là liên danh giữa 3 cổ đông, trong đó Hanoitourist sở hữu 25% được góp vốn bằng quyền khai thác tài sản trên đất.
Tuy nhiên, đến thời điểm thẩm định, Hanoitourist vẫn chưa thực hiện thủ tục pháp lý để tác hợp đồng thuê đất có thời hạn tại khu đất này cho CTCP Đầu tư và dịch vụ du lịch Thăng Long và Hanoitourist vẫn đang là pháp nhân ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và môi trường.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, trong khoảng 2016 – 2017, nợ phải thu của CTCP Đầu tư và dịch vụ du lịch Thăng Long đã tăng từ 5 triệu đồng lên 4,98 tỷ đồng.
Trong khi đó, công ty chưa có nhiều doanh thu do đang trong giai đoạn xin phê duyệt dự án. Lợi nhuận thuần sụt giảm từ 503 triệu đồng xuống 204 triệu đồng, chủ yếu do tăng chi phí quản lý doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, ngày 13/8, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ đấu giá 2,5 triệu cổ phần CTCP Đầu tư và dịch vụ du lịch Thăng Long do Hanoitourist sở hữu.
Dự kiến, số cổ phần tương đương 25% vốn điều lệ của đơn vị này được đấu giá với giá khởi điểm dự kiến là 13.000 đồng một cổ phần.
Video: ĐBQH: "Chưa ai đi tù vì quản lý doanh nghiệp yếu kém"
Bình luận