Hết tháng 6, SHB vẫn lãi hơn 600 tỷ nhưng đến 30/9 thì lỗ tới 1.105 tỷ đồng. Sau sáp nhập Habubank, SHB được mở rộng quy mô tài sản, mạng lưới, nhân sự nhưng cũng phải cáng đáng khoản lỗ khủng.
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2012. Theo đó, tính đến ngày 30/9, SHB lỗ lũy kế tới 1.105 tỷ đồng. Như vậy, SHB trở thành ngân hàng đầu tiên công bố khoản lỗ "khủng" trong quý III.
Lý giải về khoản thua lỗ nghìn tỷ này, đại diện SHB cho biết, nếu tính riêng lợi nhuận của ngân hàng SHB cũ thì vẫn lãi 610 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các đơn vị kinh doanh thuộc Habubank cũ lỗ lũy kế tới 1.715 tỷ đồng nên không thể bù đắp nổi.
"Nguyên nhân lỗ chủ yếu vẫn là trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, chứng khoán nhiều. Sau khi nhập sáp nhập HBB, các khoản nợ thuộc các đơn vị kinh doanh của HBB chúng tôi phải đánh giá lại và thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định", vị này cho hay. Tổng dự phòng rủi ro đã được trích lập đến 30.9.2012 của SHB là 2.103 tỷ đồng.
Habubank chính thức sáp nhập vào SHB ngày 28/8. Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, việc sáp nhập Habubank sẽ rút ngắn thời gian cũng như giảm thiểu tối đa chi phí trong lộ trình phát triển của SHB.
"Nếu để SHB tự thân phát triển, HĐQT của SHB cũng như các chuyên gia tính toán –nhanh phải mất 5 năm cộng thêm chi phí đầu tư không nhỏ.
Trong khi đó, thương vụ với Habubank chỉ mất 7 tháng, chi phí lại hợp lý", vị doanh nhân được biết đến với tên gọi "bầu" Hiển cho biết.
Đúng như lời "bầu" Hiển, với việc nhận sáp nhập Habubank, SHB được mở rộng tương đối lớn về quy mô tài sản, mạng lưới cũng như hệ thống nhân sự. Đồng nghĩa với các "được" này, SHB cũng phải chịu "mất" khi đứng ra đón nhận và xử lý khoản lỗ nghìn tỷ đồng mà Habubank để lại.
So với ngày 30/6, đến nay tổng tài sản của SHB mới (sau sáp nhập) tăng 27% từ 81.580 tỷ lên 103.785 tỷ đồng. Tổng vốn huy động được từ dân cư cũng tăng 42% lên gần 70.000 tỷ đồng. Số lượng nhân sự sau sáp nhập tăng 63% và mạng lưới được mở rộng gần gấp đôi.
Tổng vốn dư thừa khả dụng (tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán ngay) của SHB bao gồm tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu Chính phủ là 8.579 tỷ đồng.
Trả lời về những lo ngại SHB không đạt kế hoạch kinh doanh năm 2012, lãnh đạo ngân hàng này tái khẳng định sẽ đưa nợ xấu của các đơn vị kinh doanh thuộc Habubank cũ xuống dưới 10% vào cuối năm nay.
SHB cho biết từ ngày 30/9, sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro đến ngày 01/11, SHB đã thu hồi được hơn 1.200 tỷ đồng nợ quá hạn, nợ xấu. Số tiền thu hồi nợ xấu này sẽ được tính vào hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng của SHB, làm giảm chi phí dự phòng rủi ro đã trích lập của SHB.
"Thêm vào đó, các khoản nợ của các đơn vị kinh doanh thuộc HBB cũ nói riêng và toàn hệ thống SHB nói chung đều được đảm bảo bằng tài sản với dư nợ chỉ bằng từ 60% - 65% giá trị tài sản bảo đảm. Do đó, cùng với việc thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu, phát triển khách hàng và hoạt động kinh doanh, các khoản lỗ đến 30/9 của SHB sẽ được bù đắp và ngân hàng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã được Đại hội cổ đông thông qua", lãnh đạo SHB cho biết.
Theo Vnexpress
Bình luận