Chiều 31/12, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các nghị định được Chính phủ ban hành cùng ngày về chế độ chính sách với cán bộ, công chức khi thực hiện tinh gọn bộ máy, trong đó có Nghị định số 178/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Trả lời câu hỏi với người giữ chức Vụ trưởng, Thứ trưởng, Bộ trưởng nghỉ hưu sớm theo Nghị định số 178/2024, số tiền được hưởng là bao nhiêu, Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng cho biết: "Trong nghị định chúng tôi chưa có tính toán cụ thể. Sau này ban hành thông tư sẽ hướng dẫn cách tính và ví dụ cụ thể đối với từng đối tượng.
Tuy nhiên, trên tinh thần số tiền được hưởng sẽ dựa vào các yếu tố như tháng lương hiện hưởng, thời gian nghỉ... Trong đó, công chức các cơ quan Đảng sẽ được hưởng cao nhất".
Ông Nguyễn Quang Dũng cho biết, Nghị định số 178/2024 kế thừa Nghị định số 29/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, song các mức trợ cấp tăng lên.
Hiện nay các mức trợ cấp tại Nghị định số 29 được thiết kế dành cho cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi tính trên tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Còn mức trợ cấp trong Nghị định số 178 bao gồm cả các loại phụ cấp theo ngành nghề.
"Công chức bên Đảng ngoài tiền lương theo ngạch bậc thì có phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp công vụ 25%, phụ cấp Đảng đoàn thể 30%. Ví dụ, một Vụ trưởng nghỉ hưu sớm thì mức hỗ trợ rất cao", ông Nguyễn Quang Dũng nói.
Ông Dũng lấy ví dụ, trường hợp còn 5 năm công tác được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng cùng chính sách nghỉ hưu trước tuổi (không bị trừ tỷ lệ lương hưu), trợ cấp theo số năm nghỉ sớm, trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm...
"Chính sách này thực sự lớn nên mọi người sẽ rất cân nhắc", ông Nguyễn Quang Dũng nói.
Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ khẳng định, việc ban hành Nghị định số 178/2024 không phải để khuyến khích cán bộ tự nguyện xin nghỉ.
"Sau khi sắp xếp, tổ chức để tinh gọn bộ máy thì sẽ có cuộc rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cả hệ thống chính trị. Từng cơ quan, đơn vị phải đánh giá để xác định những người thuộc diện phải nghỉ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định cho nghỉ. Trong quá trình sắp xếp sẽ có những người thuộc đối tượng áp dụng, tự nguyện xin nghỉ thì được khuyến khích", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Quang Dũng nêu rõ, nghị định hướng tới 3 mục tiêu chính.
Một là, có chính sách tốt, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, góp phần thực hiện mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là giữ và trọng dụng cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội.
Ba là tăng cường cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương và ở cấp tỉnh đi công tác ở cơ sở (dự kiến 2 cán bộ/xã) để tăng nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bình luận