Trong số hơn 111.000 tỷ đồng được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự trù để xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có khoảng 4.800 tỷ dành cho việc xây dựng 2 tuyến đường bộ kết nối từ sân bay ra mạng lưới giao thông chung.
Theo đại diện ACV, nguyên tắc để giao thông kết nối sân bay Long Thành không rơi vào cảnh tắc nghẽn như Tân Sơn Nhất là phải có hệ thống đường riêng, ngăn các phương tiện không có nhu cầu vào sân bay nhưng vẫn mượn đường khiến lưu lượng tăng cao.
Hệ thống đường riêng
Với mong muốn được chỉ định đầu tư sân bay Long Thành, ACV cho biết đã dự trù cả nguồn vốn để đầu tư hai tuyến đường bộ số 1 và 2 kết nối sân bay.
Hai tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác cảng hàng không Long Thành, đồng thời tuyến số 1 sẽ là đường công vụ chính để ra vào sân bay nên ACV muốn được đầu tư đồng bộ, không giao cho nhà đầu tư khác.
Tuyến số 1 dài 3,8 km sẽ kết nối trục phía tây sân bay với tỉnh lộ 25C. Tuyến đường đi qua vòng xuyến kết nối với quốc lộ 51. Theo quy mô hoàn chỉnh sẽ có 10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng mặt cắt ngang thay đổi từ 85 m đến 120 m.
Tuyến số 2 dài 3,5 km, sẽ kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Ban quản lý dự án cho biết sẽ không thiết kế tuyến đường bộ thông sang trục phía đông của sân bay. Xe cộ đi vào từ trục phía tây sẽ quay đầu để đi ra.
Tổng diện tích giải phóng mặt bằng của 2 tuyến đường là 136 ha với chi phí 1.569 tỷ đồng. Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 4.802 tỷ đồng.
Theo đại diện ACV, trạm thu phí cho 2 tuyến đường này dự kiến nằm trên tuyến số 1 với thời gian khai thác vĩnh viễn. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ cân đối các nguồn thu bên trong sân bay để hạn chế việc thu phí phương tiện.
Không có tàu điện ngầm sẽ lạc hậu
Theo quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, chưa có tuyến nào kết nối từ trung tâm thành phố đến sân bay Long Thành. Chuyên gia Nguyễn Thanh Bình (Phó trưởng khoa Tài chính đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển) cho rằng đường sắt đô thị kết nối sân bay là xu hướng tất yếu và tạo ra nhiều tiện ích cho hành khách.
Dẫn chứng các sân bay hiện đại nhất thế giới hiện nay như Đại Hưng (Trung Quốc), Changi (Singapore), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)... đều có hạng mục nhà ga tàu điện ngầm để kết nối sân bay với trung tâm thành phố, ông Bình cho rằng sân bay Long Thành không có tàu điện ngầm sẽ là một quy hoạch lạc hậu.
Về vấn đề này, đại diện ACV cho biết trong báo cáo nghiên cứu khả thi được Chính phủ trình Quốc hội, hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành sẽ có 2 tuyến đường sắt. Tuy nhiên, thiết kế cơ sở mà doanh nghiệp trình lên Bộ GTVT chưa đề cập đến hạng mục này.
Hai tuyến đường sắt kết nối với sân bay Long Thành gồm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt nhẹ nối từ khu đô thị Thủ Thiêm đến nhà ga sân bay. Cả 2 đều được thiết kế chạy ngầm vào đường trục trung tâm của sân bay Long Thành.
"Hạng mục này sẽ do nhà đầu tư khác thực hiện. Chúng tôi chỉ thi công đường bộ và đặc điểm kết nối chờ cho phần ga ngầm đường sắt", đại diện ACV cho biết.
Dự kiến, nhà ga đường sắt nhẹ sẽ có 3 điểm ở khu Airport City, nhà để xe và nhà ga sân bay. Nhà ga của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nằm ở cao trình thấp hơn và hành khách phải đi thang cuốn lên nhà để xe.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xếp vào dự án quan trọng quốc gia, có tổng mức đầu tư 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025.
Trong báo cáo nghiên cứu khả thi trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất giao ACV làm nhà đầu tư. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng nếu không giao ngay cho ACV thì tiến độ dự án sẽ bị chậm hơn 1,5 năm do phải đấu thầu.
Ngày 26/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 trị giá 4,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nghị quyết được thông qua không có nội dung giao ACV làm nhà đầu tư.
Bình luận