Lâu nay, chúng ta vẫn xác định, doanh nghiệp Nhà nước là xương sống, là trụ cột của nền kinh tế. Chính vì thế, nhiều DNNN đã được hưởng những đặc quyền đặc lợi mà nhiều doanh nghiệp khác phải thèm thuồng.
Nếu như được đón nhận những ưu đãi lớn, đầu tư khủng mà các doanh nghiệp này làm ăn có lãi, mang tài chính về cho quốc gia thì chẳng ai nói làm gì. Đằng này, qua nhiều năm, các doanh nghiệp liên tục báo lỗ, nếu có lãi chỉ là “chút đỉnh” không bõ bèn gì so với số tiền Nhà nước đã đầu tư. Và đau lòng hơn, khi gần đây, các báo cáo thanh tra, kiểm toán được công bố thì đã có những doanh nghiệp thua lỗ con số nghìn tỷ…
Thế nhưng, lâu nay, nhiều doanh nghiệp Nhà nước để xảy ra những thua lỗ, thất thoát mà không tìm ra được cá nhân để chịu trách nhiệm. Nhiều khoản thua lỗ vì thế bị treo hoặc “chìm xuồng”, cuối cùng thiệt hại Nhà nước, mà tiền của Nhà nước là tiền thuế của dân đóng góp.
Vụ việc liên quan đến Dương Chí Dũng (Vinalines) – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải – Bộ GTVT; Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) sau đó làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang… dường như đã thành cái “mốt”, lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ thì chuyển sang làm sếp quản lý Nhà nước.
Vì sao các vị này sau khi gây thua lỗ, thất thoát của Nhà nước số tiền vô cùng lớn nhưng sau đó vẫn được cất nhắc, thăng tiến lên các chức vụ cao hơn đã khiến dư luận bức xúc, đặt nhiều nghi vấn.
Và gần đây nhất là trường hợp Vũ Đình Duy (cựu sếp của PVTex) sau khi phá gần xong DN này thì về làm thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… nếu không bị “động” thì có “lặng lẽ đi khám bệnh ở nước ngoài” hay lại được luân chuyển sang một vị trí khác cao hơn?
Có thể thấy một điểm chung của các ông lãnh đạo này là khi bị các cơ quan chức năng “sờ gáy” thì đều “đổ bệnh” phải xin đi nước ngoài chạy chữa.
Dư luận đang đặt câu hỏi: Còn bao nhiêu ông lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đang rất muốn đi chữa bệnh nước ngoài giống như Vũ Đình Duy?
Thật lạ, trong tất cả các qui trình bổ nhiệm, các vị này đều có hồ sơ khám bệnh để xác định tình hình sức khỏe. Bao nhiêu năm ăn tiêu trên đống tài sản của nhà nước thì chẳng bị làm sao, nhưng đến lúc bị phát hiện phải liên lụy trách nhiệm thì họ lăn ra ốm.
Ai cũng có thể thấy, khi vẫn còn những “lãnh địa” riêng cho các DNNN, khi tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn bị trì níu vì lợi ích nhóm, vì quyền lợi của các cá nhân thì nền kinh tế quốc dân vẫn tiếp tục bị làm méo mó, thì sẽ vẫn còn những lãnh đạo doanh nghiệp kiểu như Dương Chí Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy.
Xưa có câu “Ốm tha, già thải”, nên nhiều người đã vin vào đó để trốn tránh trách nhiệm, nghĩ rằng nghỉ hưu, về vườn là “hạ cánh an toàn” cùng lắm trốn vào viện nằm là yên tâm.
Nhưng nay, với sự quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là với thực tế xử lý các vụ việc cụ thể đã khẳng định rõ phương châm: ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm bất kể người đó là già hay ốm.
Video: Những câu hỏi lớn từ vụ án Trịnh Xuân Thanh
Bình luận