Cách đây 3 năm, Cocobay Đà Nẵng được chú ý bởi chiến lược quảng cáo rầm rộ khi mời danh thủ Ronaldo với chi phí lên tới hàng triệu USD. Nhiều nhà đầu tư nuôi hy vọng khi chủ đầu tư cam kết lợi nhuận lên tới 12%/năm trong vòng 8 năm đầu - một trong những mức lãi suất khá cao tại thị trường condotel thời điểm bấy giờ.
Tuy nhiên, thực tế, sau khi đi vào vận hành, theo đánh giá của nhiều khách hàng, Cocobay Đà Nẵng thực sự không mấy hấp dẫn.
Thứ nhất, dự án nằm khá xa trung tâm thành phố Đà Nẵng, thiết kế các căn hộ chật chội, tổ hợp nghỉ dưỡng không có nhiều dịch vụ, tiện ích khách hàng. Chủ đầu tư xây dựng theo hình thức cuốn chiếu, vừa khai thác vừa xây dựng, dẫn đến khi một phần dự án đi vào hoạt động thì gần như không có gì cho khách nghỉ dưỡng chơi và trải nghiệm.
Bên cạnh đó, những tiếng ồn từ quá trình xây dựng của khu vực lân cận cũng khiến khách hàng không muốn quay lại đây lần thứ hai.
Ngoài ra, dù được quảng cáo có biển, nhưng thực tế, Cocobay Đà Nẵng phải sử dụng chung bãi biển của khu nghỉ dưỡng Naman Retreat phía đối diện. Điều này cũng làm giảm sức hấp dẫn của Cocobay Đà Nẵng.
Ngoài những vấn đề thực tế của dự án, nhiều đồn đoán cho rằng, sự khó khăn mà Cocobay gặp phải là do sự tính toán sai lầm cũng như sự ra đi của doanh nhân trẻ Coco Trần. Nhưng có lẽ sự thay đổi lãnh đạo này cũng không phải là nguyên nhân chính.
Cách đây hai năm, sau một thời gian loại hình căn hộ condotel phát triển nóng, những vấn đề liên quan đến khung pháp lý của loại hình đã bùng nổ, gây nhiều tranh cãi và condotel trở thành “đứa con lai” không được thừa nhận.
Đến nay, mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan sớm ban hành khung pháp lý cho loại hình này, nhưng hiện Bộ Xây dựng vẫn đang phải chờ ý kiến các bộ, ngành khác. Như vậy, đến thời điểm này, loại hình condotel chưa có khung pháp lý để hoạt động.
Thực tế, những “đổ vỡ” liên quan đến loại hình condotel nói chung không phải sau khi Cocobay tuyên bố ngừng chi trả lợi nhuận mới được đưa ra mà trước đó, nhiều chuyên gia thẳng thắn “vạch trần” những rủi ro của loại hình căn hộ này.
Cụ thể, mức cam kết lợi nhuận lên tới 8 - 12%/năm bị coi là con số rất khó thực hiện. Bởi lẽ, dòng tiền để chủ đầu tư trả lợi nhuận cam kết là từ tiền cho thuê với khách du lịch.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, cách đây hai năm, HoREA từng lên tiếng cảnh báo về mức lợi nhuận “trên trời” này.
Cũng theo ông Châu, thực tế, loại hình condotel về Việt Nam đã bị biến tướng. Trên thế giới không có chuyện nhà đầu tư trở thành chủ sở hữu của từng căn hộ condotel, mà đầu tư condotel chỉ giống như đầu tư tài chính.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, việc các condotel cam kết lợi nhuận cao đã được cảnh báo. Bởi lẽ, trong hợp đồng không đưa ra bất cứ chế tài nào. "Hiện nay loại hình này chưa có khung pháp lý, nên các nhà đầu tư có đi kiện chủ đầu tư thì cũng khó vì chưa có chế tài quy định", ông Hiếu phân tích.
Ngoài ra, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng nhiều rủi ro khi mà thực tế, nhiều khu nghỉ dưỡng hiện nay chỉ đông khách vào dịp cuối tuần, trong tuần khách rất ít.
Ông Hiếu cảnh báo, sự việc của Cocobay có thể châm ngòi nổ dẫn việc nhiều condotel khác sẽ “vỡ trận”.
“4 năm trước, tôi đã nghĩ một ngày nào đó tình trạng này có thể xảy ra. Từ dự án Cocobay Đà Nẵng mới thấy rằng càng dự án được cổ vũ một cách nhiệt tình càng tạo ra mất niềm tin thị trường. Đây là dấu hiệu cảnh báo cho các nhà đầu tư thứ cấp và cả sơ cấp”, ông Hiếu nhận định.
Bình luận