Theo Bộ GD&ĐT, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện có 240 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 31 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.
Thời gian qua, mô hình quản trị đại học chuyển biến rõ rệt, các cơ sở giáo dục đại học được tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình. Khởi đầu từ việc Chính phủ trao quyền tự chủ cao cho hai Đại học Quốc gia, năm 2014, 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu tiến thí điểm tự chủ tương đối toàn diện.
Đến nay, hầu hết các trường thí điểm tự chủ đều có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu. Nếu như năm 2015, số công trình công bố quốc tế trên hệ thống SCOPUS/ISI chỉ gồm 4.159 bài báo khoa học thì đến năm 2019, con số này đạt 12.307 bài. Năm 2020, lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới.
Tính đến hết tháng 5/2020, gần 160 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 295 chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định uy tín trong nước, khu vực và quốc tế.
Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cũng liên tiếp có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín của thế giới. Lần đầu tiên có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt Top 1.000 đại học tốt nhất thế giới, đó là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng.
Năm 2020, hai Đại học Quốc gia lọt top 101-150 của bảng xếp hạng thế giới các trường đại học trẻ tuổi (thành lập dưới 50 năm) có chất lượng giáo dục hàng đầu của Tổ chức xếp hạng đại học QS (Quacquarelli Symonds, Anh).
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng lần đầu tiên và là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện ở Top 200 của bảng xếp hạng các trường đại học trong “độ tuổi vàng”.
Theo bảng xếp hạng Webometrics (phiên bản lần thứ nhất năm 2020) của Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (CSIC - Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) công bố tháng 1/2020, Việt Nam có 172 cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ (tăng 38 cơ sở so với năm 2019).
Trước đó, năm 2019, 7 cơ sở giáo dục đại học có mặt trong bảng xếp hạng 505 đại học tốt nhất châu Á (QS Asia 2019) do QS công bố, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội (124), Đại học Quốc gia TP.HCM (144), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (261-270), Đại học Tôn Đức Thắng (291-300), Đại học Cần Thơ (351-400), Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng (451-500). So với năm 2018, Đại học Quốc gia Hà Nội tăng 15 bậc, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vươn lên 30 bậc.
Theo công bố của THE, Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu Việt Nam trong 3 lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học máy tính và Khoa học vật lý. Riêng Khoa học máy tính có thứ hạng số 1 Việt Nam (nhóm 501-600 thế giới) ngay lần đầu tiên được THE đánh giá.
Trước đó, trong xếp hạng các đại học năm 2020 của Tổ chức xếp hạng đại học thế giới theo thành tựu học thuật, Việt Nam có 11 nhóm ngành thuộc Top 1.000 thế giới; nhiều ngành/nhóm ngành lọt vào Top 500 thế giới. Đứng vị trí cao nhất của các trường đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng này là ngành Kỹ thuật xây dựng, thứ 373 thế giới.
Bình luận