• Zalo

Sau 50 năm trỗi dậy, Trung Quốc hiện thách thức sức mạnh Mỹ và Nhật Bản ra sao?

Tư liệuThứ Tư, 17/05/2023 08:11:30 +07:00Google News

Sự chi phối của chủ nghĩa tư bản đối với các vấn đề quốc tế sẽ gặp thách thức nghiêm túc từ một nước từng rất nghèo cách đây 50 năm.

Mỹ đóng vai trò xúc tác cho tăng trưởng của Trung Quốc

Chính Mỹ chịu trách nhiệm về việc trên thực tế họ đã ép Trung Quốc phải hành động đoàn kết như một quốc gia - dân tộc. Lời thách thức của Mỹ về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Triều Tiên (với Trung Quốc là một bên tham gia) đã khơi dậy lòng tự tôn trong dân tộc Trung Hoa. Và Trung Quốc đã hạ quyết tâm không để bị hăm dọa như thế trong tương lai.

Sau 50 năm trỗi dậy, Trung Quốc hiện thách thức sức mạnh Mỹ và Nhật Bản ra sao? - 1

Quốc kỳ Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Trung Quốc đã cho nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình vào ngày 16/10/1964. Cùng với sự phát triển kinh tế như vũ bão sau đó, Trung Quốc bắt đầu công khai thách thức trật tự thế giới hiện hành.

Sau khi Liên Xô tan rã, trật tự thế giới chuyển từ nhị cực (với cuộc đối đầu Mỹ- Xô) thành đơn cực (do Mỹ đứng đầu). Nay Trung Quốc đang nổi lên thành lực lượng thách thức ưu thế đó của Mỹ, cả về quân sự và kinh tế.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã vượt Mỹ về năng lực lấy lòng chiến lược đối với các nước nghèo thông qua các chương trình đầu tư (như đầu tư vào châu Phi, vào Trung Đông, và dự án Vành đai và Con đường).

So sánh năng lực quân sự Mỹ và Trung Quốc

Hiện tại và trong tương lai gần, Trung Quốc không thể sánh được với Mỹ về ưu thế áp đảo trong tư cách cường quốc hải quân số 1 thế giới. Hải quân Trung Quốc năm 2023 có thể được đánh giá ở mức “hải quân xanh lá cây”. Trung Quốc phải mất ít nhất 2 thập kỷ nữa mới đuổi kịp hải quân Mỹ, với khoảng 10 chiếc tàu sân bay và một hạm đội tàu ngầm có năng lực hạt nhân. Phải qua một chặng đường dài nữa, hải quân Trung Quốc mới trở thành lực lượng nước xanh sâu.

Ấn Độ là một quốc gia hạt nhân nhưng không thể gọi là một đồng minh của Mỹ. Pakistan nằm gần Trung Quốc nhưng sẽ khó theo Mỹ chống Trung Quốc. Như vậy chỉ còn 2 nước gần Trung Quốc mà Mỹ có thể tính tới trong cuộc cạnh tranh nước lớn, đó là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nếu Mỹ cung cấp vũ khí hạt nhân cho Hàn Quốc, điều đó sẽ vấp phải phản ứng tức thì của Triều Tiên. Do vậy, Nhật Bản là sự lựa chọn duy nhất của Mỹ.

Khả năng Nhật Bản hạt nhân hóa để ứng phó với Trung Quốc

Liệu Nhật Bản có lựa chọn phát triển vũ khí hạt nhân trong thời gian tới? Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều vấn đề, đặc biệt là tranh chấp đối với một số hải đảo, có thể thúc đẩy Nhật Bản đi theo hướng này.

Chính sách đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là điều không thể chấp nhận được với Nhật Bản.

Nhật Bản không phải là đối thủ quân sự của Trung Quốc vào lúc này, trừ phi Nhật Bản lựa chọn phương án phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu Nhật Bản trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, điều đó sẽ thay đổi ma trận an ninh ở châu Á và cả toàn cầu trong chốc lát. Khi ấy sức răn đe hạt nhân và tài chính của Trung Quốc sẽ không còn như ở mức hiện nay.

Một khi xảy ra kịch bản Nhật Bản được hạt nhân hóa, Trung Quốc sẽ buộc phải xem xét lại học thuyết hạt nhân của mình, chính sách đường 9 đoạn, và chủ trương ngoại giao kinh tế để gây ảnh hưởng với các nước nghèo.

Hiện Trung Quốc áp dụng chính sách “không sử dụng trước” đối với vũ khí hạt nhân của họ. Nhưng trong tình huống Nhật Bản là quốc gia hạt nhân, Trung Quốc có thể phải điều chỉnh học thuyết hạt nhân của mình theo hướng “sẽ dùng khi phát hiện có vấn đề nguy hiểm”.

Nhật Bản còn có một động cơ nữa để hạt nhân hóa, đó là vô hiệu hóa áp lực tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.

Nhật Bản có năng lực công nghệ để sản xuất vũ khí hạt nhân nếu họ lựa chọn như vậy. Ít nhất 25% lượng điện sản xuất ở Nhật Bản là do các lò phản ứng hạt nhân của nước này cung cấp. Xây dựng một tổ hợp máy ly tâm làm giàu urani là điều nằm trong tầm tay của Nhật Bản. Chương trình vũ trụ của Nhật Bản cũng mang đẳng cấp thế giới. Công cụ phóng cũng là thứ đã sẵn sàng đối với họ.

Để tấn công mục tiêu ở Trung Quốc, Nhật Bản chỉ cần một tên lửa đạn đạo tầm xa. Bên cạnh  đó, không quân Nhật Bản cũng là lực lượng tối tân. Với việc sắp mua số lượng lớn chiến đấu cơ đa nhiệm F-35, Nhật Bản có thêm một phương tiện hiệu quả để ném bom hạt nhân lên lãnh thổ đối phương. Nhật Bản không cần đến nhân tố thứ 3 trong bộ ba hạt nhân, đó là tàu ngầm hạt nhân do khoảng cách tương đối gần giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Dù chưa được công nhận, Nhật Bản có một tàu sân bay hoặc ít nhất là công nghệ để đóng một con tàu như vậy.

Trên thực tế, với trình độ chuyên môn của Nhật Bản trong việc thu nhỏ gần như mọi thứ và mức độ tinh vi cực cao trong lĩnh vực điện tử, Nhật Bản có thể trở thành quốc gia hạt nhân đầu tiên sở hữu một “hệ thống phóng vũ khí hạt nhân gắn trên UAV”.

Các tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể đặt trên bất cứ đảo nào trong vô số hòn đảo của Nhật Bản, đặc biệt là ở miền Bắc nước này.

Ngoài năng lực nội tại của mình, Nhật Bản cũng có thể nhận thêm sự hỗ trợ công nghệ hạt nhân từ phía Mỹ. Xác suất Mỹ chấp nhận giúp đỡ Nhật Bản về mặt này là không nhỏ.

Trung Hiếu(VOV.VN/Eurasian Times)
Bình luận
vtcnews.vn