Theo Sputnik, cuộc đối đầu giữa tàu ngầm Trung Quốc và máy bay săn ngầm Mỹ chỉ mới được tạp chí Trung Quốc đăng tải gần đây sau nhiều năm, tuy nhiên vẫn có rất ít thông tin về sự kiện này.
Nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết, ba máy bay săn ngầm của hải quân Mỹ đã phát động một chiến dịch truy tìm các tàu ngầm Trung Quốc ở vùng biển giữa Hong Kong và quần đảo Đông Sa – cách bờ biển Trung Quốc hơn 300 km.
Ở thời điểm đó hải quân Trung Quốc đang tiến hành tập trận ở vùng biển này thì các máy bay Mỹ xuất hiện đồng thời thả phao sonar - định vị thủy âm xuống biển (thiết bị xác định vị trí tàu ngầm). Ngay lập tức Trung Quốc có hành động đáp trả khi điều động thêm tàu chiến đến khu vực.
Cũng theo truyền thông Trung Quốc, các sonar được máy bay Mỹ thả xuống gần Đảo Pratas – hiện do chính quyền Đài Loan kiểm soát. Việc này đẩy cuộc đối đầu giữa hai bên trở nên căng thẳng.
Trong khi lực lượng Mỹ - Trung Quốc ngày càng tiếp cận gần nhau hơn thì máy bay Mỹ bất ngờ phá hủy các sonar và rời khỏi khu vực. Hành động này có thể để tránh việc tàu chiến Trung Quốc có trục vớt các sonar trên.
Tại một số thời điểm trong cuộc đối đầu, một trong những máy bay của Mỹ đã bay cách Hong Kong chỉ 150 km - một trong những chuyến bay gần nhất tới bờ biển Trung Quốc do máy bay do thám của Mỹ thực hiện.
Máy bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông
Máy bay Mỹ trong cuộc đối đầu trên không được nêu tên trong bài viết, nhưng theo Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược ở Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại Học Bắc Kinh, hải quân Mỹ đã triển khai hai mẫu máy bay săn ngầm trên Biển Đông vào thời điểm đó gồm: P-8A Poseidon và P-3 Orion.
SCSPI cũng ghi nhận 70 lần xuất kích của máy bay tuần tra và do thám Mỹ trên Biển Đông vào tháng 1/2021, trong đó có 4 lần vào ngày 5/1, ngày diễn ra cuộc đối đầu, mặc dù dữ liệu của cơ quan này không cho biết máy bay nào đã bay vào ngày hôm đó.
Hải quân Mỹ đã tăng cường đáng kể hoạt động giám sát Biển Đông trong những năm gần đây sau khi Lầu Năm Góc coi tuyến đường biển này là địa điểm có khả năng diễn ra cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh, cả về chính trị và quân sự.
Các hoạt động tuần tra, do thám của hải quân Mỹ trên Biển Đông hiện tại vẫn đang diễn ra, theo SCSPI ghi nhận, ít nhất 58 nhiệm vụ như vậy đã được thực hiện vào tháng trước, bao gồm các máy bay săn tàu ngầm như P-8A Poseidon, cũng như các máy bay do thám và trinh sát khác.
Lo ngại về hành động khiêu khích của Mỹ
Theo Sputnik, cuộc đối đầu vào tháng 1/2021 đã không xảy ra một cách tự nhiên. Thời điểm đó căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã lên cao ngất ngưởng, và các sự kiện của ngày hôm sau chỉ khiến chúng dâng cao hơn.
Theo đó, ngày 6/1/2021, hàng nghìn người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xông vào Điện Capitol (tòa Quốc hội Mỹ) ở Washington, DC, khi các nhà lập pháp đang xác nhận kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Ông Trump tuyên bố thất bại của ông trong cuộc bầu cử là do gian lận của Đảng Dân chủ và khuyến khích những người theo ông tuần hành đến Điện Capitol.
Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, mối lo ngại còn lớn hơn nhiều. Từ vài tháng trước cuộc bầu cử, các tướng lĩnh quân đội cấp cao của Trung Quốc đã lo sợ ông Trump có thể cố gắng níu giữ quyền lực bằng cách kích động một số loại sự cố sẽ trao cho ông quyền hạn khẩn cấp. Một trong những kịch bản đáng sợ nhất là một cuộc tấn công vào các vị trí của Trung Quốc ở Biển Đông, hoặc một nỗ lực thúc đẩy lực lượng Trung Quốc ở đó tấn công lực lượng Hoa Kỳ.
Các tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ đã liên tục có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Trung Quốc trong thời gian đó nhằm cố gắng xoa dịu căng thẳng, một trong số đó diễn ra hai ngày sau cuộc bạo loạn Điện Capitol.
Ngày 8/1/2021, Đại tướng Mark Milley, Tổng tham mưu trưởng hội đồng liên quân Mỹ đã nói chuyện qua điện thoại trong 90 phút với người đồng cấp Trung Quốc, Thượng tướng Lý Tác Thành - nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nhằm trấn an Bắc Kinh rằng Lầu Năm Góc sẽ không cho phép một âm mưu tiếm quyền xảy ra.
Sau đó, tướng Milley được cho là đã nói với Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Philip S. Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, đã hủy bỏ các hoạt động mà Trung Quốc "có thể coi là khiêu khích" trong một nỗ lực hơn nữa nhằm xoa dịu mọi thứ trong khu vực sau cuộc đối đầu giữa hai bên gần đảo Pratas.
Trong khi những lo lắng của Trung Quốc phần nào giảm bớt sau khi ông Trump rời Nhà Trắng vào cuối tháng 1/2021 và Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, thì căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh vẫn ở mức cao. Chính quyền của ông Biden vẫn đi tuân theo chiến lược do ông Trump vạch ra để "cạnh tranh nước lớn" với Nga và Trung Quốc, đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm cô lập Trung Quốc trên trường quốc tế và tăng cường hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Đài Loan.
Bình luận