Theo Khu Quản lý đường bộ III, Cục Đường bộ Việt Nam, trong thời gian chờ khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió đoạn qua Đèo Cả, lực lượng chức năng ngăn tất cả các phương tiện (trừ xe 2 bánh) lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua Đèo Cả; ô tô các loại phải lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả.
Tuy nhiên, một số phương tiện như xe chở nhiên liệu, xe chở hàng độc hại, dễ cháy, chất nổ, hàng hóa nguy hiểm, xe quá khổ... không được qua hầm đường bộ Đèo Cả.
Thời gian thực hiện từ 13h ngày 14/4 cho đến khi khắc phục xong sự cố, đảm bảo điều kiện an toàn để lưu thông trên Quốc lộ 1 khu vực Đèo Cả.
Đơn vị này cũng thông báo phương án tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông không được lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả.
Các phương tiện này chọn một trong ba lộ trình. Ba lộ trình có điểm chung là các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 khi đến các điểm giao cắt với các tuyến Quốc lộ trục ngang sẽ rẽ phải theo hướng Tây - Nam.
Lộ trình 1: Di chuyển trên tuyến QL.1 đến ngã 3 Diêu Trì, địa bàn huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định (Km1220+600/ QL1, tương ứng Km0/QL.19C), rẽ phải vào QL.19C từ Km0 đến Km177+950/QL.19C đi theo tuyến đường Trường Sơn Đông đến Km521+030/TSĐ, rẽ trái tại Km67+800/QL.26, đi theo tuyến QL.26 đến Km0+00 (nút giao giữa QL.26 và QL.1) rẽ phải để nhập vào tuyến QL.1 tại Km1421+250 để tiếp tục đi vào Nam.
Lộ trình 2: Di chuyển trên tuyến QL.1 giao với QL.25, địa bàn TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên (Km1333+800/QL1, tương ứng Km2+200/QL.25), đi theo QL.25 từ Km2+200 đến Km46+900, rẽ trái đi theo QL.19C, đi theo tuyến đường Trường Sơn Đông đến Km521+030/TSĐ, rẽ trái tại Km67+800/QL.26, đi theo tuyến QL.26 đến Km0+00 (nút giao giữa QL.26 và QL.1), rẽ phải để nhập vào tuyến QL.1 tại Km1421+250 để tiếp tục đi vào Nam.
Lộ trình 3: Di chuyển trên tuyến QL.1 đến vị trí nút giao giữa tuyến QL.1 và tuyến QL.29 tại Km1342+250/QL.1, thuộc địa phận huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, rẽ phải đi theo QL. 29 đến Km81+300/QL29 (nút giao giữa QL.29 và QL19C), rẽ trái tại Km123+800/QL.19C đi theo QL.19C đến Km177+950/QL.19C, đi theo tuyến đường Trường Sơn Đông đến Km521+030/TSĐ, rẽ trái tại Km67+800/QL.26, đi theo tuyến QL.26 đến Km0+00 (nút giao giữa QL.26 và QL.1) rẽ phải để nhập vào tuyến QL.1 tại Km1421+250 để tiếp tục đi vào Nam.
Theo Khu Quản lý đường bộ III, hiện hầm đường sắt Bãi Gió trên đường sắt Bắc Nam lý trình đường sắt bị sụt lún đất đá từ đỉnh vòm hầm và đang tiếp tục sụt lún, diễn biến phức tạp. Đơn vị quản lý đường sắt đang triển khai phương án khắc phục sự cố sụt lún trong hầm.
Liên quan vụ việc, sáng 14/4, thông tin nhanh với VTC News, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, hiện các đơn vị liên quan gồm lãnh đạo Bộ GTVT, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, thiết kế và các đơn vị liên quan vừa đưa ra phương án để xử lý dứt điểm sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió (qua đèo Cả nối Phú Yên với Khánh Hòa)
"Theo dự kiến khoảng 3 ngày nữa mới thông tuyến nhưng Tổng công ty đường sắt Việt Nam sẽ cố gắng thông tuyến sớm nhất", ông Vinh cho biết.
Để khẩn trương khắc phục sự cố, Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh huy động hơn 200 công nhân cùng nhiều phương tiện, máy móc các loại đến khu vực sạt lở.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho hay, cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân ban đầu khiến hầm Bãi Gió sạt lở.
"Hầm Bãi Gió địa chất rất phức tạp, đất đá trên núi đã bị phong hóa. Qua thời gian chịu mưa gió, đất đá đã không còn sự dính kết, rất rời rạc nên khi trùng tu thì thi nhau đổ xuống hầm. Nguyên nhân được xác định là do hầm bị thiên nhiên tàn phá, chứ không phải con người", ông Vinh nói.
Theo Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh, đợt sạt lở đầu tiên (chiều 12/4) khoảng 180m3 đất đá rơi xuống hầm, đợt sạt lở thứ 2 (sáng 13/4) có khoảng 50m3 đất đá rơi xuống hầm. Lượng đất đá này cơ bản đã được công nhân thu dọn.
Tuy nhiên, từ đêm 13/4 đến nay, lượng lớn đất đá từ trên trần hầm đường sắt Bãi Gió lại tiếp tục sạt lở.
Bình luận