Truyền hình địa phương cho biết lực lượng cứu hộ đã phải dùng tay để đào đất và đưa các thi thể ra. Nhiều nạn nhân vẫn còn có thể bị mắc kẹt bên trong các đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ khiêng những người bị thương qua những con đường hẹp bằng cáng tạm.
Các quan chức cho biết trong vòng 24 giờ qua, họ ghi nhận 11 vụ sập nhà hoặc tường ở khu vực Mumbai. Một khu phố thậm chí có khoảng 5-6 lán trại nằm dưới chân đồi bị đổ sập chồng lên nhau.
Thủ tướng Narendra Modi đã gửi lời chia buồn trên Twitter tới các nạn nhân và thông báo hỗ trợ.
Một số khu vực trong thành phố bị ngập lụt sau trận mưa lớn và các dịch vụ tàu hỏa bị gián đoạn, làm tê liệt trung tâm tài chính của Ấn Độ. Mumbai và khu vực bờ biển của bang công nghiệp Maharashtra dự kiến sẽ hứng chịu lượng mưa lớn nặng nề trong 4 ngày tới, cơ quan dự báo thời tiết nước này cho biết hôm 18/7.
Mưa xối xả, đặc biệt là trong đợt gió mùa từ tháng 7 đến tháng 9 ở Ấn Độ, thường gây sập nhà, đặc biệt là các công trình cũ hoặc xây dựng trái phép.
Trong khi đó, số người thiệt mạng do sạt lở tại một khu vực suối nước nóng ở thành phố Atami, Nhật Bản hồi đầu tháng 7 đã tăng lên 15, khoảng 14 người vẫn mất tích. Trận sạt lở xảy ra do mưa lớn dọc bờ biển Nhật Bản, đã khiến hơn 35.500 người phải sơ tán. Hiện khoảng 1.300 cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và lực lượng phòng vệ vẫn tìm kiếm những người mất tích tại khu vực.
Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vừa hủy 350 chuyến bay để đối phó với mưa lớn. Cảnh báo bão được nâng lên cấp II, cấp da cam, với lượng mưa một số khu vực vượt quá 150 mm tính đến sáng 18/7, cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét và các thảm họa địa chất khác ở khu vực vùng núi cũng đã được đưa ra.
Mưa lớn trước đó đang gây nên tình trạng lũ lụt lịch sử tại Đức và Bỉ. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng và ít nhất 170 người đã thiệt mạng.
Theo Reuters, các nhà khoa học từ lâu đã nói biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến mưa nhiều hơn. Nhưng sẽ cần vài tuần để nghiên cứu cụ thể vai trò của biến đổi khí hậu đối với hiện tượng mưa cực đoan này.
“Lũ lụt vẫn thường xảy ra, ngẫu nhiên như khi tung xúc xắc. Nhưng chúng ta đang thay đổi xác suất của trò tung xúc xắc đó”, Ralf Toumi, nhà khoa học khí hậu tại London bình luận về lũ lụt tại châu Âu.
Về cơ bản, không khí ấm hơn giữ nhiều hơi ẩm hơn, nên cuối cùng, khi gặp điều kiện thích hợp, nhiều nước sẽ được “giải phóng” hơn. Các yếu tố khác bao gồm địa lý khu vực và áp suất không khí.
Các trận lũ lụt xuất hiện chỉ vài tuần sau đợt sóng nhiệt phá kỷ lục khiến khoảng 500 người thiệt nạng ở Canada và Mỹ, điều mà các nhà khoa học cho rằng "không thể xảy ra" nếu không có biến đổi khí hậu. Dù hiện tượng "gián đoạn thời tiết" (thời tiết thay đổi cực đoan) đã được dự đoán xảy ra trong hàng thập kỷ, một số nhà khoa học vẫn cảm thấy "đáng sợ" với tốc độ diễn ra các sự kiện này.
Cũng có ý kiến cho rằng mưa lớn đã không còn là điều gì lạ, nhưng số lượng thương vong tăng cao chứng tỏ rằng các khu vực đang thiếu một hệ thống cảnh báo sớm và sơ tán hiệu quả, nhất là để đối phó với các sự kiện thời tiết cực đoan.
Bình luận