Dư luận đang bàn luận sôi nổi việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xin Thủ tướng cho phép nhập khẩu 37 toa tàu tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản. Có những ý kiến chỉ trích, cho rằng việc nhập toa tàu đã chạy 40 năm là “đi giật lùi” trong khi đường sắt Việt Nam đang rất lạc hậu, là mang phế liệu của nước ngoài về Việt Nam. Theo tôi, đây là cách nhìn nhận vội vàng và phiến diện.
Nên nhập hay không, chúng ta hãy xét về lợi ích, hiệu quả kinh tế.
Thứ nhất, 37 toa tàu này tuy được dùng nhiều năm nhưng vẫn còn tốt, tốt gấp nhiều lần loại đang chạy ở Việt Nam, công nghệ cũng hiện đại hơn tất cả những toa tàu mà chúng ta đang có. Chúng được dùng cho khổ ray 1.067 mm, chỉ cần hoán cải một số chi tiết là có thể đưa vào khai thác ở Việt Nam.
Thứ hai, không chỉ tốt hơn, nội thất đẹp, hiện đại hơn các toa tàu hiện hữu, việc vận hành chúng cũng ít tốn kém hơn. Do trọng lượng nhẹ, chúng giúp tiết kiệm nhiên liệu. Hiện nay tàu hỏa ở Việt Nam đang sử dụng đầu máy để kéo theo cả đoàn 13-15 toa, những ngày vắng khách chỉ cần 4-5 toa vẫn phải dùng đầu máy lớn này, chi phí nhiên liệu cao bị phân bổ vào giá vé. Trong khi đó, các toa xe tự hành của Nhật không cần đầu máy kéo, chỉ cần một vài toa cũng có thể tự chạy nên tính linh hoạt và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thứ ba, chúng ta lại không mất tiền mua 37 toa tàu này, chỉ phải bỏ chi phí vận chuyển, hải quan, đăng kiểm, hoán cải… Riêng điều này đã giúp tiết kiệm gần 1.000 tỷ đồng. Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, sau hoán cải, các toa này có thể được khai thác ít nhất 15 năm nữa, trong khi thời gian để hoàn vốn là khoảng 7 năm.
Thứ tư, muốn mua mới ư? Làm gì còn loại tàu hiện đại nào trên thế giới được sản xuất cho khổ ray 1 mét mà chúng ta đang dùng? Đường sắt Việt Nam mới có thể thay hệ thống đường ray hiện đại? Không ai có câu trả lời chắc chắn. Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội hay Bến Thành - Suối Tiên có mấy km mà làm cả chục năm nay còn chưa xong.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông qua hơn chục năm, cơ bản đã xong, nhưng không ai biết bao giờ mới đưa vào sử dụng. Thậm chí người ta đã chán nhắc đến dự án này vì càng nhắc đến thì càng chuốc thêm nỗi bực tức.
Trong lúc chờ đợi “đến Tết Congo”, tại sao lại bỏ qua cơ hội sử dụng loại toa tàu hiện đại hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn, khi chỉ phải bỏ ra 140 tỷ đồng thay vì 1.110 tỷ đồng?
Tóm lại, chẳng có lý do gì để từ chối thịnh tình của phía Nhật khi họ muốn tặng những toa tàu này cho Việt Nam. Nếu bạn gọi chúng là rác, nên biết rằng Philippines, Indonesia cũng đã đăng ký mua, nhưng Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) muốn dành tặng cho đối tác lâu năm là Việt Nam. Trước đó, JR East cũng đã giao hàng trăm toa tàu kiểu này cho Nga, Myanmar, Philippines... Gần đây nhất, trong 2 năm 2019 và 2020, Myanmar tiếp tục nhận về chính loại toa Kiha 40 và Kiha 41 mà chúng ta đang định nhập. Các nước này sau khi nhập về đều khai thác tốt.
Điều đáng trách nhất là cho đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa có hệ thống đường sắt hiện đại, chứ không thể trách cứ việc nhập toa tàu cũ của Nhật.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận