Video: Nhóm từ thiện lên tiếng về hình ảnh kẻ giàu 'cướp' đồ ủng hộ người nghèo giữa đại dịch
Giữa những ngày cả nước gồng mình chống dịch, nhiều tấm lòng hảo tâm sẵn sàng chia sẻ, chung tay giảm bớt khó khăn cho người nghèo bằng những hành động đầy ý nghĩa để vượt qua cơn bão Covid-19. Tiếc thay, tấm lòng của họ lại bị những người giàu có lợi dụng và trắng trợn 'cướp' đi những túi nhu yếu phẩm được chuẩn bị dành riêng cho những người khó khăn.
Đó là những người đi xe máy xịn, tay đeo vòng đá, nhẫn vàng và sẵn sàng vứt bỏ liêm sỉ của mình để đến các điểm cứu trợ đem về những túi lương thực cơ bản với cân gạo, túi lạc, hay gói gia vị...
Không biết hổ thẹn vì hành động của mình, những người này còn tỏ rõ vẻ hả hê, sung sướng khi cầm được những túi lương thực chẳng mất tiền mua. Thậm chí, có người còn rủ rê, lôi kéo cả gia đình đến nhiều lượt để khuân về cho đẫy nhà.
Họ sẵn sàng giẫm đạp lên cơ hội của những dân nghèo vì dịch bệnh mà chẳng thể mưu sinh để thoả mãn sự tham lam. Những túi lương thực giá trị chẳng đáng là bao nhưng đám người vẫn chen chân, cướp đi của những người nghèo khó thật sự.
Thật khó có thể tưởng tượng, giữa Thủ đô văn minh, lại xảy ra hình ảnh xấu xí đến vậy. Thậm chí, khi những người này ồ ạt đến lấy đồ cứu trợ, có anh cán bộ phường vừa khóc vừa van xin trong bất lực với hy vọng mong manh rằng họ đừng lấy nữa, để dành cho những người nghèo thực sự.
Chẳng lẽ lương tâm của họ lại chỉ được đong đếm bằng cân gạo, túi khoai? Xã hội duy trì được sự bình yên trong cơn bão nhờ vào hai chữ sẻ chia vậy mà những con người ấy, bất chấp tất cả để cướp đi những cân gạo, túi khoai, cướp đi những giá trị nhân văn ngay giữa lúc khó khăn, đại dịch.
Chứng kiến những hình ảnh này, tôi lại cảm thấy xấu hổ thay những người cũng đang sống ở Thủ đô văn minh, hiện đại khi nhớ đến hình ảnh những cụ ông, cụ bà nghèo khó ở tỉnh lẻ, đi bộ hàng cây số để đem ủng hộ cho khu cách ly từng mớ rau, quả trứng hay vài chục nghìn đồng.
Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" vẫn còn nguyên giá trị suốt muôn đời nay, đó luôn là tinh thần giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, để không ai bị bỏ lại trong cơn đại nạn nhưng những kẻ tham lam kia đã sẵn sàng đạp đổ truyền thống tốt đẹp đó.
Dẫu rằng khó khăn đang giáng lên toàn xã hội, nhưng những người lao động nghèo vẫn luôn là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Sự chung tay, góp sức; sự sẻ chia, bù đắp dù chỉ mang tính chất tạm thời cũng có thể giúp đỡ họ được phần nào.
Có thể, những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh lớn nhưng hình ảnh những kẻ đi xe sang, đeo nhẫn vàng cướp đi những túi lương thực của những người khó khăn cũng là hình ảnh đáng xấu hổ.
Một con sâu làm được thì sẽ có nhiều con sâu khác cũng sẽ nhao lên làm theo. Cộng đồng không thể chỉ ở đó mà nhìn những kẻ đang tâm nhặt nhạnh miếng ăn của người nghèo để thoả mãn, hả hê, ung dung vượt qua khó khăn chung bằng cách chà đạp, cướp bóc.
Cuộc chiến chống đại dịch còn dài, điều này đồng nghĩa với việc người nghèo sẽ tiếp tục phải chịu đói, gồng mình tìm kiếm kế sinh nhai cho qua ngày. Cần phải có những biện pháp mạnh hơn để đòi lại sự công bằng cho những ai đáng được hưởng. Dù đó chỉ là củ khoai, cân gạo với ít lạc, nhưng bằng mọi giá, chúng ta phải gửi nó đến tay đúng người.
Độc giả có đồng tình với quan điểm trên? Hãy gửi ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.
Bình luận