Trong danh sách những phiên giao dịch “đen tối” của thị trường chứng khoán Việt Nam, ngày 22/5/2018 được nhà đầu tư gọi tên khi các chỉ số đồng loạt “rơi tự do”.
VN-Index giảm 29,07 điểm, tương ứng 2,86% xuống 985,91 điểm. VN-Index đánh mất mốc quan trọng 1.000 điểm dễ dàng tới mức không ngờ.
Không chỉ VN-Index, các chỉ số khác cũng lao dốc. VN30-Index giảm 38,26 điểm, tương ứng 3,84% xuống 958,95 điểm. HNX-Index giảm 2,94 điểm, tương ứng 2,46% xuống 116,72 điểm. HNX30-Index giảm 7,63 điểm, tương ứng 3,46% xuống 213,07 điểm.
Sàn TP.HCM chịu thiệt hại nặng nề hơn cả. Vốn hóa thị trường giảm 83.283 tỷ đồng (3,67 tỷ USD) xuống 2.988.717 tỷ đồng (131,7 tỷ USD). 3,67 tỷ USD là con số mất mát rất lớn nhưng đây chưa phải phiên “bi thảm” nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tháng trước, thậm chí, có phiên vốn hóa sàn TP.HCM “bốc hơi” tới 5 tỷ USD.
Trong “thứ 3 đen tối” 22/5, tội đồ lớn nhất của thị trường chứng khoán là ngành ngân hàng. Hàng loạt cổ phiếu ngành này đồng loạt giảm rất mạnh. Cổ phiếu càng lớn thì đà rơi càng sâu.
Đứng sau VCB về tốc độ giảm là BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là cổ phiếu ngân hàng giảm sâu nhất. Dù chỉ đi lùi nhẹ đầu phiên nhưng chốt phiên, BID giảm sàn, giảm 2.200 đồng/CP, tương ứng 7% xuống 29.300 đồng/CP. Vốn hóa thị trường BIDV vì thế mà mất trắng 7.521 tỷ đồng.
Đứng sau BID về tốc độ giảm trong danh sách các cổ phiếu ngân hàng là VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Đóng cửa phiên 22/5, VCB giảm 2.300 đồng/CP, tương ứng 4,1% xuống 53.400 đồng/CP. Điều này khiến vốn hóa thị trường Vietcombank giảm 8.275 tỷ đồng.
Cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng theo chân các ông lớn Vietcombank, BIDV, VietinBank khi giảm 2.000 đồng/CP, tương ứng 4,3% xuống 45.000 đồng/CP. Đà giảm này của VPB khiến vốn hóa thị trường VPBank giảm 2.995 tỷ đồng.
Khác với Vietcombank, BIDV, tại VPBank, có rất nhiều cổ đông cá nhân lớn. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank là cổ đông cá nhân lớn nhất của ngân hàng này. Trong phiên 22/5, khối tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Dũng mất 141 tỷ đồng.
Đó chưa phải thiệt hại lớn nhất của ông Dũng. Tại VPBank, gia đình ông Dũng còn nhiều cá nhân khác sở hữu khối lượng lớn VPB. Bà Hoàng Anh Minh, vợ ông Dũng được đánh giá là cổ đông của VPBank. Hôm nay, bà Minh chịu thiệt hại 136 tỷ đồng.
Bà Vũ Thị Quyên, mẹ ông Dũng cũng là đại gia trên sàn chứng khoán Việt Nam khi sở hữu lượng cổ phiếu VPB trị giá gần 3.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, bà Quyên lọt vào Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán. Cũng vì lẽ đó, trong phiên giao dịch 22/5, bà Quyên bị “thổi bay” gần 130 tỷ đồng.
Các đại gia ngân hàng nhiều khả năng sẽ phải chứng kiến thêm nhiều mất mát nữa trên thị trường chứng khoán khi giới chuyên gia vẫn có cái nhìn kém lạc quan về xu hướng của VN-Index.
Công ty chứng khoán FPTS đánh giá việc các chỉ số thị trường lao dốc mạnh trong phiên 21/05 đã kích hoạt kịch bản bi quan hơn về khả năng VN-Index sẽ lùi sâu về khu vực 950 điểm hoặc thấp hơn. Rủi ro xuất hiện bán tháo cũng đang trở lại khi nhiều blue-chips cũng đã vi phạm ngưỡng hỗ trợ dưới.
Do đó, FPTS khuyến nghị hạn chế vị thế mua không chỉ dành cho các nhà đầu tư ngắn hạn mà các nhà đầu tư trung và dài hạn cũng nên cân nhắc giảm tỷ trọng, cơ cấu lại danh mục nếu cần thiết.
Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng cho rằng, lực bán tăng mạnh trong phiên 22/5, cùng với động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại là tín hiệu xấu với diễn biến thị trường chung.
Theo chứng khoán Bảo Việt, mặc dù các phiên hồi phục kỹ thuật có thể sớm xuất hiện, tuy nhiên chưa xuất hiện tín hiệu đáng tin cậy cho thấy nhịp điều chỉnh của thị trường đã chấm hết.
Video: 3 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán là ai?
Bình luận