Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về các dự án đầu tư, quản lý theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông Vận tải, có 7 dự án được chỉ ra sai phạm.
7 dự án sai phạm hàng trăm tỷ đồng
Cụ thể, như dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đã ghép 2 dự án làm 1 và đặt trạm thu phí ở cả hai tuyến là bất hợp lý.
Việc phê duyệt tổng mức đầu tư đã áp dụng đơn giá tiền lương, chi phí dự phòng trượt giá, cự ly đổ thải và cấp đá đào nên không đúng quy định, không phù hợp thực tế, dẫn đến chi sai tăng trên 51 tỷ đồng…
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Phước Tượng - Phước Gia, qua kiểm tra dự toán, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số nội dung lập, phê duyệt không đúng chế độ hiện hành với tổng giá trị gần 51 tỷ đồng.
Video: Thanh tra dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phát hiện nhiều sai phạm bất thường
Dự án Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) dài 28 km, nhưng theo Thanh tra Chính phủ, trong quyết định đầu tư, Bộ Giao thông đã phê duyệt quy mô lớn hơn nhiều so với quy hoạch, chiều dài tới 40,7 km. Dự án được phê duyệt bao gồm cả việc cải tạo nâng cấp mở rộng Km93 đến Km100 quốc lộ 3 cũ.
Việc cải tạo nâng cấp đoạn quốc lộ 3 phải thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ, nhưng Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt ghép vào dự án BOT là không đúng quy định. Cơ quan thanh tra khẳng định, nội dung quyết định đầu tư ghép việc cải tạo, nâng cấp bảy km quốc lộ 3 với đầu tư xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới và sẽ đặt thu phí ở hai nơi là không hợp lý.
Ngoài ra, việc lập, phê duyệt tổng mức đầu tư, trong đó có một số hạng mục và khoản chi phí áp dụng sai định mức, đơn giá, hoặc lựa chọn phương án chưa hợp lý, làm tăng tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Một số nội dung lập, duyệt dự toán áp dụng hàm lượng nhựa chưa phù hợp, không đúng hướng dẫn của Bộ GTVT, từ đó dẫn tới dự toán phê duyệt chênh lệch tăng giá trị trên 73,5 tỷ đồng.
Với dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 1, Thanh tra Chính phủ cho hay, giai đoạn này dự án chỉ sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ, nhưng giá phí thu tương đương với giá thu cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500 đồng/km). Điều này là "bất hợp lý và bất thường", cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Việc phê duyệt và triển khai dự án đã không lường hết những bất cập về hệ thống thu phí, dẫn đến bất hợp lý khi kết nối với tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, gây bất tiện cho người tham gia giao thông và ùn tắc nghiêm trọng tại các thời điểm mật độ giao thông cao. "Đến nay, dự án buộc phải khắc phục thay thế bằng phương án thu phí tự động và bỏ trạm thu phí Đại Xuyên", kết luận chỉ rõ.
Thanh tra cũng chỉ rõ, việc thực hiện trình tự phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở còn thiếu chặt chẽ, không lường hết yếu tố ảnh hưởng dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi quá lớn trong thời ngắn. Ở dự án này, Bộ giao thông đã phê duyệt thay đổi cơ bản thiết kế cơ sở giai đoạn 1, bỏ lớp cấp phối base bù vênh và thay bằng bê tông nhựa tăng cường mặt đường dẫn đến tăng chi phí 25 tỷ đồng.
Việc áp dụng đơn giá đất đắp chưa đúng khu vực theo thông báo giá dẫn đến phê duyệt tổng mức đầu tư tăng sai trên 21 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có các dự án sai phạm như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 38 qua tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương; dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 (hình thức đầu tư BT); Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 (theo hình thức BOT).
Trách nhiệm thuộc Bộ Giao thông Vận tải
Kết luận sai phạm của 7 dự án trên, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, thứ nhất chưa thực hiện đúng quy định về xây dựn và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư; việc công bố sai khi phê duyệt danh mục dự án, không đúng thời điểm tháng một hằng năm là thiếu chặt chẽ và ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Thực tế từ khi triển khai đầu tư theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay đã có hơn 70 dự án thực hiện mà không lựa chọn nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định với lý do chỉ có 1 nhà thầu tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực dẫn đến nhiều sai sót.
Thứ hai, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án còn bất hợp lý trong cân đối tổng thể và quy hoạch; phê duyệt một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư chưa đúng quy định, còn một số khoản sai lệch.
Thứ ba, lựa chọn nhà đầu tư còn thiếu chặt chẽ, năng lực hạn chế không đáp ứng được yêu cầu của dự án.
Thứ tư, việc thanh quyết toán xác định giá trị công trình đự án còn bất hợp lý, hầu hết các công trình dự án hoàn thành giai đoạn xây dựng đã đưa vào khai thác, thu phí đều chậm và chưa quyết toán được theo đúng thời gian hợp đồng.
Thứ năm, kết quả huy động vốn thực hiện các dự án BT, BOT không đạt được mục tiêu đa dạng các nguồn vốn, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; xác định phương án tài chính thiếu chính xác, nhất là phương án thu phí giao thông.
Trách nhiệm về việc để xảy ra hàng loạt sai phạm được TTCP chỉ ra thuộc về Bộ Giao thông vận tải. Bộ GTVT kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm các tổ chức cá nhân có trách nhiệm liên quan đến vi phạm.
Đồng thời, rà soát, xử lý phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư 6 dự án hơn 415 tỷ đồng và điều chỉnh các hợp đồng dự án về tổng vốn đầu tư, xác định lại chi phí tư vấn lập dự án và thu hồi nộp ngân sách phần đã thanh toán vượt tương ứng giá trị tổng mức đầu tư phải điều chỉnh, thanh lý 2 hợp đồng tư vấn với nhà đầu tư trị giá hơn 16 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp dự án (7 doanh nghiệp) xử lý 316 tỷ đồng các yếu tố phát sinh không đúng thực tế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành thông tư thu phí chưa hợp lý và giá phí, thỏa thuận vị trí đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc và quy trình giám sát thu phí còn thiếu chặt chẽ.
Bình luận