• Zalo

Rừng phòng hộ đang xanh tốt bỗng chết khô ở Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm?

Tin nhanh 24hThứ Hai, 28/02/2022 11:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng nhiều cấp chính quyền và Chi cục Kiểm lâm ở Hải Phòng để cánh rừng phòng hộ 5,4ha ‘chết oan’, đến nay không ai chịu trách nhiệm.

Video: Cận cảnh cánh rừng phòng hộ bị "chết oan” ở Hải Phòng

Liên quan đến cánh rừng phòng hộ 5,4 ha đang xanh tốt bỗng chết khô giữa các khu công nghiệp ở Hải Phòng, PV VTC News lần lượt làm việc với từng cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền địa phương để làm rõ vai trò, trách nhiệm của họ trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

Không ai chịu trách nhiệm

Trong buổi làm việc với UBND phường Đông Hải 2 (Hải An, Hải Phòng), lãnh đạo phường này cho biết, cơ quan chức năng cũng đã có kết luận về nguyên nhân cánh rừng chết nên “không quy trách nhiệm cho ai”.

Tiếp tục làm việc với ông Phùng Văn Sáng – Trưởng phòng Kinh tế quận Hải An, PV VTC News nêu ra một loạt câu hỏi về công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương, đặc biệt là việc để cánh rừng chết thì đơn vị, cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên đến nay, ông Sáng và UBND quận Hải An vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Rừng phòng hộ đang xanh tốt bỗng chết khô ở Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm? - 1

Đến nay, chưa đơn vị, cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trong việc cánh rừng hơn 5ha chết khô.

Để đi tìm nguyên nhân cánh rừng bị “chết oan”, PV VTC News tiếp tục đặt lịch làm việc với Chi cục Kiểm lâm, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng.

Thông tin với PV, ông Nguyễn Thái Hải – Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên nhận định, cánh rừng phòng hộ 5,4ha có thể là do người dân đắp đầm trồng rừng nên xếp vào loại rừng trồng.

Theo ông Hải, năm 2016, đoàn liên ngành kiểm kê, lập hồ sơ quản lý rừng. Hàng năm, UBND phường Đông Hải 2 có trách nhiệm theo dõi, quản lý, báo cáo diễn biến rừng, có sự hỗ trợ về chuyên môn của Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, thuộc Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng.

Khi phát hiện rừng có dấu hiệu chết, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng đã thông báo với chính quyền địa phương vào cuộc lập biên bản, đồng thời Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng mời Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam về lấy mẫu, xác định nguyên nhân rừng chết.

Chi cục Kiểm lâm cũng kiến nghị UBND quận Hải An vào cuộc xác minh trong khu vực lân cận để tìm ra đối tượng gây nên tình trạng rừng chết.

“Muốn chỉ đích danh được nguy cơ cụ thể hoặc đối tượng cụ thể gây ra cái chết này thì nó là cả vấn đề, không phải đơn giản. Nếu xác định cụ thể cái đó, thậm chí tội hình sự nữa.

Hiện chúng tôi đang mời Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam vào cuộc xác định nguyên nhân. Chúng tôi đang kiến nghị quận, kiến nghị phường và thậm chí báo cáo cả UBND thành phố để vào cuộc xác minh”, ông Hải nói.

Rừng phòng hộ đang xanh tốt bỗng chết khô ở Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm? - 2

Cánh rừng chết khô nằm cạnh 2 bãi rác thải cao như núi.

Trước câu hỏi của PV về việc trước khi cánh rừng bị chết, lực lượng kiểm lâm có biện pháp và kiến nghị gì với các cơ quan chức năng để cứu cánh rừng, ông Hải chưa thể trả lời mà cho biết sẽ phải hỏi lại "anh em" Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng.

Theo ông Hải, về nguyên tắc là lực lượng kiểm lâm phải phối hợp với địa phương tuần tra, bảo vệ, kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm. Tuy nhiên do lực lượng mỏng phải kiểm tra thường xuyên các khu rừng khác chứ không thể kiểm tra, giám sát chi tiết đến từng lô rừng này được.

“Đội kiểm lâm cơ động phải quản lý rừng của 5 quận, huyện. Chỉ khi hiện tượng xảy ra người ta mới cảnh báo kịp thời”, ông Hải giãi bày.

Ông Hải cho biết thêm, theo quy định về phân cấp quản lý rừng, trách nhiệm quản lý trực tiếp là chính quyền địa phương các cấp, ngành kiểm lâm chỉ hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn.

Cũng theo ông Hải, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa tính toán được giá trị của cánh rừng này.

Rừng phòng hộ đang xanh tốt bỗng chết khô ở Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm? - 3

Cánh rừng phòng hộ có tuổi đời hàng chục năm đang chết mục.

Về việc Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng có phải chịu trách nhiệm không và cụ thể ai phải chịu trách nhiệm khi để cánh rừng 5,4ha chết mục, ông Hải cho biết: “Về trách nhiệm đối với cánh rừng chết này, thực sự bây giờ phải xác định được hành vi của người ta thì mới xác định được trách nhiệm”.

Chia sẻ quan điểm về trách nhiệm của các cấp chính quyền và ngành kiểm lâm, ông Hải cho biết: “Bất kỳ một tổn thất gì thì ông nào cũng đau lòng hết. Đau lòng chứ. Muốn xem xét trách nhiệm đến đâu phải mổ xẻ rõ từng việc.

Bây giờ chúng tôi cũng chưa xác định được quận Hải An, hay phường Đông Hải 2, hay chúng tôi trách nhiệm quản lý đến đâu. Hồ sơ vẫn đang chờ xử lý. Bây giờ hồ sơ thanh lý rừng do Thông tư 18 của Bộ Tài chính hết hiệu lực cho nên về phía Chi cục Kiểm lâm cũng như địa phương chưa xử lý được thiệt hại diện tích rừng trên”, ông Hải thông tin.

Rừng phòng hộ đang xanh tốt bỗng chết khô ở Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm? - 4

Nước rỉ rác đen ngòm chảy xuống cánh rừng này.

Công ty môi trường từ chối báo chí

Theo phản ánh của người dân, một trong những nguyên nhân khiến cánh rừng trên chết khô là do nguồn nước rỉ rác chảy xuống khiến môi trường nước ở đây ô nhiễm nghiêm trọng.  

Để làm rõ những phản ánh, nghi vấn nêu trên, PV VTC News đặt lịch làm việc với Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng (đơn vị quản lý, vận hành bãi rác thải Đình Vũ) để ghi nhận quy trình vận hành, xử lý rác thải, nước thải từ bãi rác này. Tuy nhiên đã rất nhiều lần, đại diện công ty này từ chối, không hợp tác với phóng viên.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn