• Zalo

‘Room’ tín dụng sẽ được điều chỉnh vào tuần sau

Tài chínhThứ Bảy, 27/08/2022 17:52:56 +07:00Google News

NHNN phát thông điệp vẫn duy trì quan điểm không nới “room” tín dụng so với kế hoạch mà chỉ phân bổ nốt hạn mức tăng trưởng còn lại theo mục tiêu 14% đặt ra năm nay.

Đây là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022 diễn ra mới đây.

Cụ thể, lãnh đạo cao nhất ngành ngân hàng cho biết chậm nhất đầu tuần sau, NHNN sẽ có thông báo về việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, phần điều chỉnh này vẫn nằm trong con số 14% mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.

Chưa lỏng tay với “room” tín dụng

Chậm nhất đầu tuần sau, NHNN sẽ thông báo điều chỉnh nốt phần còn lại của room tín dụng cho các ngân hàng, phần này vẫn nằm trong con số 14% đã định hướng từ đầu năm", Thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Đáng chú ý, thông điệp này được lãnh đạo NHNN đưa ra ngay sau khi cơ quan quản lý tiền tệ có cuộc họp nội bộ với các ngân hàng thương mại để bàn về việc tăng trưởng tín dụng năm 2022.

Như vậy, sau nhiều đề xuất, kiến nghị từ các ngân hàng thương mại, chuyên gia, NHNN vẫn kiên quyết không nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay. Tuy nhiên, với việc phân bổ nốt phần tăng trưởng còn lại trong con số kế hoạch 14% năm nay, hoạt động cho vay của một số ngân hàng thương mại có thể “dễ thở” hơn trong giai đoạn cuối quý III này.

Theo số liệu trước đó từ NHNN, tính đến giữa tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 9,62% so với cuối năm 2021, không thay đổi nhiều so với số liệu tăng trưởng vào cuối tháng 6 và 7.

Điều này đồng nghĩa với việc trong vòng 2 tháng qua, lượng tín dụng bơm mới vào nền kinh tế là rất hạn chế và nguyên nhân chủ yếu đến từ việc NHNN chưa phân bổ nốt hạn mức kế hoạch trong năm nay.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, các tổ chức tín dụng sẽ còn khoảng 4,38 điểm % tăng trưởng tín dụng, tương đương mức dư nợ cho vay có thể giải ngân tăng thêm khoảng 460.000 tỷ đồng ra thị trường, tương đương mức tăng ròng bình quân khoảng 115.000 tỷ/tháng trong tháng 9-12 cuối năm.

Trong khi cơ quan quản lý quyết không lỏng tay với “room” tín dụng, quan điểm về vấn đề này của các chuyên gia cũng tương đối khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng NHNN cần xem xét nới “room” để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế năm nay.

Có thể nới “room” lên 15-16% năm nay

Ông Trần Ngọc Báu, Founder kiêm CEO WiGroup, cho rằng NHNN sẽ chưa nới “room” tín dụng, ít nhất là trong quý III này khi các áp lực về tỷ giá USD/VNĐ và lạm phát vẫn hiện hữu. Theo đó, việc nới chỉ tiêu này có thể được thực hiện vào quý IV, khi các chỉ số kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, tuy nhiên, mức nới cũng sẽ mang tính chọn lọc.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng lạm phát và tỷ giá đang là hai vấn đề khiến NHNN nói không với nới “room” tín dụng. Theo ông, lạm phát của Việt Nam là do chi phí đẩy (chủ yếu do nhập khẩu). Vì vậy, muốn chống lạm phát thì phải áp dụng các giải pháp về thuế, tài khóa.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng sự thận trọng trong việc điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN là có cơ sở. Bởi chỉ khi lạm phát được kiểm soát vững chắc, việc nới “room” tín dụng mới an toàn.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng NHNN cần linh hoạt hơn về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Không nên chờ đến quý IV mới nới “room”, vì như vậy là quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và doanh nghiệp.

‘Room’ tín dụng sẽ được điều chỉnh vào tuần sau - 1

"Room" tín dụng có thể được nới khi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định về cuối năm. Ảnh: Chí Hùng.

Vị chuyên gia cho rằng NHNN chưa lỏng tay với “room” tín dụng vì còn lo ngại hai vấn đề là lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, cùng quan điểm với TS Lê Xuân Nghĩa, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng lạm phát trong nước chủ yếu là do chi phí đẩy. Do đó, nếu kiểm soát được đà tăng của giá xăng dầu và giá thịt lợn thì có thể kiểm soát được lạm phát dưới 4%.

Về yếu tố thanh khoản hệ thống ngân hàng, ông Lực cho rằng chỉ tiêu này vẫn đang trong tầm kiểm soát của NHNN. Trong đó, tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trên thị trường 1 (ngân hàng với cư dân) theo tính toán sơ bộ đến nay vào khoảng 92%, vẫn ở mức an toàn.

Tương tự, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện vào khoảng 25,2% và vẫn trong ngưỡng cho phép của NHNN áp dụng từ 1/10 năm nay là 34%.

Ngoài ra, dòng vốn trung, dài hạn chảy vào hệ thống ngân hàng cũng đang mạnh hơn trong 3 tháng gần đây. Do vậy, ông Lực cho rằng NHNN có thể yên tâm hơn khi xem xét nới “room” tín dụng cho các ngân hàng.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, NHNN sẽ nới “room” tín dụng trong thời gian tới, tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ thận trọng hơn trong việc điều hành chính sách này. Hạn mức được cấp thêm dự báo chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện ngân hàng phải hạn chế giải ngân với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Cả năm, SSI dự báo tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế có thể đạt 15-16%, cao hơn 1-2 điểm % so với kế hoạch của NHNN.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng việc nới “room” tín dụng sẽ được NHNN thực hiện vào cuối quý III này.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn