• Zalo

Rau tần lá dày có tác dụng gì?

Tư vấnThứ Ba, 19/12/2023 15:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Rau tần lá dày là loại rau quen thuộc với nhiều người, vậy rau tần lá dày có tác dụng gì?

Tần lá dày hay còn gọi là húng chanh, rau thơm lông, rau thơm lùn... là một loại thảo dược được dùng trong các bài thuốc dân gian từ lâu đời. Vậy, rau tần lá dày có tác dụng gì?

Đặc điểm và tác dụng của cây tần lá dày

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, tần lá dày (Coleus crassifolius Benth) là dạng cỏ cao khoảng 25 - 75cm, lá hình bầu dục có lông và mọc đối nhau, hoa màu tím mọc sát nhau.

Do chứa chất carvacrol nên tần lá dày có tinh dầu thơm dịu nhẹ. Ở nước ta, cây mọc đối nhau, hoa màu tím mọc sát nhau. Do chứa chất carvacrol nên vừa được khai thác dưới dạng thảo dược vừa được dùng như loài rau gia vị trong các bữa ăn thường ngày.

Dưới đây là những tác dụng của cây tần lá dày với sức khoẻ:

- Phòng tránh bệnh ngoài da và bảo vệ đôi mắt

Vitamin A trong lá tần lá dày rất tốt cho thị lực và cũng là chất thiết yếu của hệ miễn dịch. Nhờ có nó mà tình trạng oxy hóa được ngăn ngừa; tình trạng viêm nhiễm do mụn trứng cá, vảy nến,... được cải thiện.

- Giảm viêm, tăng đề kháng

Hàm lượng vitamin C trong tần lá dày rất cao nên không chỉ giảm nhiễm trùng đường hô hấp và còn tăng sức đề kháng để chống lại cảm cúm, cảm lạnh, ho có đờm.

Tần lá dày mang lại nhiều công dụng với sức khoẻ

Tần lá dày mang lại nhiều công dụng với sức khoẻ

- Ngừa ung thư và tốt với hệ tim mạch

Omega 6 trong tần lá dày là một loại axit béo có vai trò rất lớn đối với phòng ngừa ung thư, tăng cường cholesterol tốt để phòng tránh bệnh tim mạch đồng thời làm giảm các triệu chứng sưng đau ở bệnh viêm khớp dạng thấp.

- Xua tan căng thẳng

Trong lá tần lá dày có một số khoáng chất và hợp chất hữu cơ có tác dụng an thần nhẹ. Bạn có thể dùng lá của loại cây này để hãm trà uống khi bị căng thẳng, lo lắng, bồn chồn... để có được cảm giác thư giãn và giấc ngủ ngon hơn.

- Làm đẹp da

Hợp chất chống viêm trong lá tần lá dày giúp giảm sưng tấy, đỏ và loại bỏ tình trạng kích ứng, ngứa da. Không chỉ có vậy, loại cây này còn trị lành vết chích của côn trùng, hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến và chàm da tương đối hiệu quả.

- Phòng ngừa ung thư

Chiết xuất từ tần lá dày có khả năng ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư.

- Giảm sốt

Nếu bị cảm cúm, sốt thì có thể dùng tần lá dày như một thảo dược để hạ sốt nhanh chóng. Mặt khác, lá húng chanh còn giúp ra mồ hôi để đào thảo độc tố qua da nhờ đó mà đẩy nhanh quá trình hồi phục triệu chứng cảm cúm hiệu quả.

- Cải thiện chức năng của thận

Nước từ tần lá dày rất lợi tiểu nên sẽ giúp cơ thể đào thải được độc tố ra ngoài thông qua cơ chế kích thích tiểu tiện. Vì thế mà lượng muối dư thừa, nước và chất béo trong cơ thể được giảm bớt, thận có khả năng hoạt động trơn tru hơn.

- Kiểm soát đường huyết

Tần lá dày có thể kiểm soát đường huyết vì nó làm chậm quá trình giải phóng đường trong máu để đường huyết không tăng nhanh.

Bên cạnh đó, nó còn góp phần ngăn ngừa biến chứng có liên quan tới bệnh tiểu đường như tăng insulin huyết, cân nặng quá mức. Nhờ thế mà cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tiểu đường.

Cách trị ho từ tần lá dày

Bài viết của Lương y Chu Văn Tiến trên Báo Sức khoẻ & Đời sống chia sẻ về các bài thuốc giảm ho từ rau tần lá dày như sau:

- Cách 1: Hái vài lá tần dày lá nhai, ngậm trong miệng rồi nuốt nước, bỏ bã.

- Cách 2:Tần dày lá 20g, gừng tươi 3 lát, đem giã nát, lọc lấy nước cốt uống.

- Cách 3: Tần dày lá tươi 10 lá, trái chanh (xắt lát) 1 quả, gừng tươi (xắt lát) 1 củ, đường phèn hay mật ong vừa đủ. Tất cả cho vào chén, đem chưng cách thủy, lấy nước si- rô trong chén uống dần.

- Cách 4: Tần dày lá 1 nắm (15g), lá chanh 10g, vỏ quýt 5g, gừng tươi 3 lát, đường phèn 10g. Nấu lấy nước uống trong ngày.

- Cách 5:Tần dày lá 20g, kim ngân hoa 15g, sài đất 15g, xạ can12g, cam thảo đất 12g. Các vị thuốc sắc với 600ml, còn 200ml, chia 3 phần, uống trong ngày.

Có thể dùng rau tần dày lá giảm ho và viêm họng liên tục 3-5 ngày cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Ngoài ra, để xác định nguyên nhân gây bệnh cụ thể, bệnh nhân có thể đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Thanh Thanh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp