• Zalo

Rau quả ngoại nhập hàng trăm triệu USD, hàng nội loay hoay tìm đầu ra

Kinh tếThứ Sáu, 22/06/2018 14:14:00 +07:00Google News

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, lượng rau quả nhập khẩu vẫn liên tục tăng mạnh, trong khi đó các bộ ngành, chuyên gia liên tục đưa ra nhiều cảnh báo về xuất khẩu rau quả Việt phụ thuộc vào Trung Quốc.

 Cứ bịt đầu ra là phải… giải cứu

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) – chuyên đề nông nghiệp mới đây, ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Việt Nam đã hội tụ đủ tiềm năng để phát triển nông nghiệp.

 “Trong bức tranh xuất khẩu, có khoảng 1% trong tổng số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với số vốn chiếm gần 3% tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của cả nước.”, ông này cho hay.

Tuy nhiên, thực tế tính từ đầu năm đến nay, đã có nhiều đợt kêu gọi giải cứu rau củ quả. Cụ thể, khoai lang (tỉnh Gia Lai) đang ở giá 10.000-15.000 đồng/kg rớt giá xuống còn 3.000 đồng/kg; dứa đang ở mức giá 10.000 đồng/kg rớt xuống 2.000 đồng/kg (Thanh Hóa); dưa hấu cũng nằm ở mức 8.000 đồng/kg rớt xuống 2.000-3.000 đồng/kg (Quảng Ngãi, Quảng Nam).

Tại tỉnh Hải Dương, trái vải sớm vào vụ với giá ở mức 20.000/kg, vải thiều tại tỉnh Bắc Giang cũng nằm mức giá 7.000-14.000 đ/kg, thì có những nơi rớt xuống 5.000 đồng/kg. Điều này được nông dân và thương lái trong nước lý giải rằng Trung Quốc không lấy hàng nữa, nên phải kêu gọi giải cứu.

34340956_1141331682675796_7776282320859824128_n

Giải cứu khoai Gia Lai tại TP.HCM 2/6/2018.

“Tôi không hiểu sao giá vải ở ngoài Bắc rẻ vậy mà không có ai mua cả, tôi cùng nhóm bạn phải đích thân đi mua về kêu gọi trên facebook, zalo để bán ở TP.HCM. Thấy rẻ, có người mua cả mấy chục ký.”, Chị Thủy, một thành viên trong đội giải cứu vải chia sẻ.

Mặc dù trong nước đang phải giải cứu nhiều loại rau củ quả, nhưng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập rau quả cả nước là hơn 600 triệu USD, tương đương 13.600 tỷ đồng, tăng hơn 110 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải vì sao rau, củ, quả nội không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, Sở Công thương TP.HCM cho hay, Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan chủ yếu là hoa quả như xoài, chôm chôm, thanh long, mít, sầu riêng, nhãn. Từ Trung Quốc là các loại rau bắp cải, cà rốt, su hào, súp lơ, khoai tây; các loại hoa quả đầu mùa là mận, táo, lê, dưa vàng, lựu, nho và quýt siêu ngọt. Những loại này Việt Nam không có nhiều hoặc có theo mùa không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Hiện, những sản phẩm nhập khẩu theo nhiều cách khác nhau, riêng sản phẩm Thái Lan chủ yếu qua đường vận chuyển chính ngạch từ các doanh nghiệp phân phối Thái có mặt tại Việt Nam ở các siêu thị, trung tâm thương mại. Những sản phẩm này được đóng gói, có nguồn gốc rõ ràng, mẫu mã đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chợ nhỏ lẻ là “địa bàn” phân phối hàng ngoại

Trong nước, thị trường hỗn loạn, rau không an toàn lại “đội lốt” rau an toàn gây mất niền tin với rau quả nội nên người tiêu dùng quay sang sử dụng rau quả nhập khẩu.

Khó khăn nhất cho Việt Nam là quy trình nhập khẩu vào Việt Nam chưa thật sự được kiểm soát chặt chẽ về chất và lượng, không đồng nhất, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, giảm sức tiêu thụ.

Lượng rau quả khủng nhập chủ yếu qua đường tiểu ngạch khó quản lý nhưng lại có khối lượng lớn. Cô Hạnh, một thương lái chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết: “Dẫu biết là hoa quả này có nguồn gốc Trung Quốc, nhưng người dân mình cũng mua nhiều, vì hàng này có màu sắc tươi đẹp, giá rẻ. Có cầu thì có cung thôi, mình là dân buôn mà, người ta muốn mua thì mình bán.”

Theo chia sẻ của nhiều thương lái, con đường đi của rau quả Trung Quốc phần lớn là tiểu ngạch, bán đổ sang các chợ đầu mối và được thương lái Việt Nam xé lẻ về các chợ nhỏ lẻ. Hiện, hoa quả Trung Quốc xuất hiện hầu khắp các chợ Việt, len lỏi đến các vùng nông thôn và có giá rẻ. Con số này khó có thể thống kê rõ ràng được.

Đặc biệt, không chỉ sản phẩm rau quả đi theo đường chính ngạch cũng bị phanh phui về độ an toàn chất lượng và dư lượng thuốc. Mới đây, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tiết lộ thông tin, vừa qua, qua kiểm tra giám sát chất lượng rau quả nhập khẩu cho thấy, có tới 40% mẫu được phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi phạm an toàn thực phẩm.

Trong đó, cao nhất là rau quả đến từ Trung Quốc chiếm 8% – 12%. Tuy nhiên, đối với rau quả nhập khẩu từ Thái Lan qua kiểm tra cũng có kết quả không kém so với hàng Trung Quốc, cũng vượt tới 10%.Tuy nhiên những sản phẩm này tiếp tục trôi nổi, được các tiểu thương mua đi bán lại, thamajc hí dán lên những cái tem giả, khiến khách hàng nhầm lẫn.

Quy hoạch cần có tính chiến lược dài hạn

Th.S Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, khi đã mở cửa hội nhập, việc nhập khẩu các loại nông sản là đương nhiên, kinh tế thị trường phải theo quy tắc “nước chảy chỗ trũng”.

Đề xuất về giải pháp, Th.S Dũng cho biết, nhà nước cần nhanh chóng định hình những khu vực, quy hoạch có tính chiến lược dài hạn hàng chục năm trở lên. Cùng với đó là những chính sách về đất đai cho phù hợp với bối cảnh nền nông nghiệp CNC. Đồng thời, cung cấp nguồn thông tin đầy đủ, liên tục cập nhật theo mùa vụ hoặc theo năm, để nông dân biết là ở thời điểm đó nên tập trung sản xuất con gì, cây gì với số lượng bao nhiêu và quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, chế biến nên như thế nào, nên có hướng dẫn thật chi tiết, sát sườn tới từng vùng nuôi trồng.

Các hiệp hội của từng ngành hàng cần phát huy mạnh hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình. Đặc biệt là công tác nghiên cứu, thẩm định, kết nối, chia sẻ thông tin giúp khai thác tốt nhất mọi tiềm năng thị trường trong nước.

“Cần xử phạt nghiêm và dứt điểm mọi trường hợp vi phạm. Kiểm soát chặt chẽ hơn trong công tác quản lý nguồn hàng nhập khẩu.”, ThS. Dũng đề xuất.

Ngoài ra, bản thân người sản xuất phải không ngừng nâng cao trình độ, chịu khó đọc và nghiên cứu, tiếp cận sát những chủ trương, chính sách ưu đãi của nhà nước cùng việc cập nhật mọi biến động của thị trường. Lập và gắn trong các chuỗi bền vững để tạo và tiêu thụ với số lượng và chất lượng theo yêu cầu khắt khe của mỗi thị trường.

Trên hết, nhà nước cần công bố các dự báo cần thiết nhất để nông dân chủ động : loại sản phẩn từng thị trường, rào cản, giá cả, các yếu tố liên quan chuỗi sản xuất và tiêu thụ bền vững.

 “Phải nhìn nhận rằng, khi Việt Nam xuất nông sản đi các nước, họ dựng lên những hàng rào kỹ thuật khắt khe, với yêu cầu nông sản an toàn, chất lượng cao…Còn khi chúng ta nhập về thì chưa tạo được những hàng rào như họ và cứ cho nhập ồ ạt vào, nhất là từ Trung Quốc”, Th.S Dũng nói.

 “Do vậy, nếu có hàng rào tốt, thì nông sản nhập về chất lượng phải cao, nên giá sản phẩm cao, từ đó người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn hàng trong nước”, ThS. Dũng nói.

Người tiêu dùng đã chuyển hướng từ giảm bớt ăn lương thực, chuyển sang ăn rau quả, sản phẩm chăn nuôi; chuyển từ ăn nhiều sang ăn ngon, sạch, ăn rẻ sang ăn bổ, chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển đổi sản xuất của Việt Nam chưa bám những nhu cầu thay đổi đó, ngay cả trong thị trường nội địa.

Video: Thịt heo tăng giá kỷ lục 3 năm gần đây

“Khi chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất càng nhiều theo cơ cấu sản xuất cũ và nhu cầu thị trường thay đổi nhanh (yêu cầu chất lượng cao hơn, sạch hơn…) thì tình trạng thừa nông sản kiểu cũ là không tránh khỏi. Vì thế, chúng ta chịu sức ép rất lớn về tiêu thụ nông sản, từ chăn nuôi, thủy sản, rau quả, lúa gạo…”-,Th.S Dũng phân tích.

Mỹ Dung
Bình luận
vtcnews.vn