• Zalo

Ra luật kiểm soát tàu nước ngoài đi lại, tiếp theo Trung Quốc sẽ làm gì?

Tư liệuThứ Hai, 13/09/2021 07:45:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc Trung Quốc bắt tàu nước ngoài báo cáo là không phù hợp luật quốc tế, nhưng nước này đang muốn “đo” phản ứng và qua đó tăng hiện diện trên biển, theo chuyên gia.

Video: Giáo sư Raul (Pete) Pedrozo, Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, trả lời phỏng vấn VTC News về luật hàng hải mới của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 30/8, truyền thông Trung Quốc dẫn thông báo từ Cơ quan an toàn hàng hải nước này cho biết theo luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi, từ 1/9, Bắc Kinh sẽ yêu cầu các tàu nước ngoài phải báo cáo khi vào vùng được cho là “lãnh hải”.

Theo các quy định mới, “người điều khiển các tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu rời, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải báo cáo thông tin chi tiết khi đến lãnh hải Trung Quốc”.

Ngoài ra, “các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc được quy định bởi các điều luật, quy định hành chính hoặc quy định của quốc vụ viện (nội các của Trung Quốc) cũng phải tuân theo quy định mới”. Điều này đòi hỏi các tàu phải đăng ký tên, mã số, vị trí, cảng ghé tiếp theo và thời gian đến dự kiến.

Không phù hợp với luật quốc tế

Ra luật kiểm soát tàu nước ngoài đi lại, tiếp theo Trung Quốc sẽ làm gì? - 1

picture-1505-1447775281.jpg

Yêu cầu bắt buộc báo cáo của Trung Quốc với một số loại tàu là không phù hợp với Công ước liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS).

GS. Raul (Pete) Pedrozo

Trả lời VTC News, theo Giáo sư Raul (Pete) Pedrozo, Trung tâm Luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, hệ thống quy định mới của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS).

Đối với UNCLOS, ông Pedrozo nói, các tàu (bao gồm cả tàu chiến), với tất cả các loại cờ, hàng hóa, phương tiện đẩy, đều có quyền đi qua không gây hại qua vùng lãnh hải. Quyền đi qua không gây hại cũng áp dụng với các tàu ngầm (khi di chuyển trên mặt biển và treo cờ). “Hành trình được xác định là không gây hại khi tàu hoặc tàu ngầm không tham gia vào bất kỳ hành động bị cấm nào được liệt kê trong UNCLOS (Điều 19). Không báo trước cho một quốc gia ven biển không phải là một trong các hành động bị cấm”, ông nói.

Trung Quốc có thể áp dụng các điều luật và quy định về đi qua không gây hại nếu nó liên quan tới việc đi lại an toàn, quy định giao thông hàng hải, bảo tồn môi trường biển, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm, nhưng những luật và quy định đó “không được bao gồm việc đặt ra các yêu cầu đối với tàu nước ngoài có tác dụng từ chối, làm suy yếu hoặc cản trở quyền đi qua không gây hại”.

Còn đối với SOLAS, chuyên gia cho biết, theo quy định 11, chương 5, bất cứ hệ thống báo cáo bắt buộc nào cũng phải được đệ trình cho Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) để áp dụng và thực hiện theo các hướng dẫn của IMO. “Nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm áp đặt việc báo cáo bắt buộc với các tàu nước ngoài như vậy là vi phạm SOLAS và luật quốc tế”.

Âm mưu trên biển

Theo nhà nghiên cứu Manoj Joshi, Quỹ Observer Research, New Delhi viết trên The Wire, yêu cầu của Trung Quốc “không phải là quá bất thường” đối với một quốc gia ven biển, nhưng dễ thấy động thái cụ thể này là một phần của kế hoạch nhằm thiết lập quyền tài phán trên Biển Đông bằng cách sử dụng luật pháp và quy định.

Ra luật kiểm soát tàu nước ngoài đi lại, tiếp theo Trung Quốc sẽ làm gì? - 2

Tàu hải cảnh Trung Quốc. (Ảnh: China Defense Blog)

Một luật trước đó của Trung Quốc năm 1992 cũng đã yêu cầu tàu quân sự nước ngoài cần được phép để đi vào lãnh hải, tàu ngầm cần phải đi qua trên mặt nước và các tàu chở vật liệu độc hại phải có giấy tờ cần thiết và có các biện pháp phòng ngừa trong việc xếp dỡ hàng hóa.

Vào tháng 1/2021, Trung Quốc thông qua Luật hải cảnh mới và Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi được thông qua vào tháng 4. "Đi kèm với các động thái này là một sự không rõ ràng phù hợp với những bất ổn xung quanh các yêu sách chủ quyền hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông", ông Joshi nhận xét.

Hơn nữa, Trung Quốc còn có “định nghĩa lãnh hải riêng”, được đưa ra bởi Luật Lãnh thổ và Vùng tiếp giáp ngày 25/2/1992, và mặc dù không được nêu rõ ràng, vùng biển này được bao bọc bởi "đường chín đoạn" trái phép.

Tuy nhiên, chuyên gia nhận định khả năng pháp lý của Trung Quốc trong việc sử dụng các quy định mới để thực thi những yêu sách mở rộng là khá hạn chế. "Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là họ sẽ không cố gắng làm như vậy".

Ra luật kiểm soát tàu nước ngoài đi lại, tiếp theo Trung Quốc sẽ làm gì? - 3

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Benfold đi qua Biển Đông vài ngày sau khi Trung Quốc áp đặt quy định mới. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Ảnh hưởng với các nước trong khu vực

Trả lời VTC News hôm 31/8, chuyên gia Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông, giảng viên đại học Luật TP.HCM nhận định, liên quan đến việc áp dụng quy định mới, Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu từ khu vực "lãnh hải" của họ và xem xét phản ứng của thế giới. Nếu phản ứng của thế giới không đủ mạnh, Trung Quốc sẽ áp dụng cả những vùng biển khác, những vùng biển mà Bắc Kinh tự tuyên bố thuộc lãnh hải Trung Quốc từ lâu đời.

“Điều đó dẫn tới nguy cơ các quốc gia khu vực ASEAN mất vùng biển của mình. Trên cơ sở các bước trước đó, Trung Quốc thời gian tới có thể bắt các tàu bè muốn đi qua khu vực Biển Đông phải xin phép Trung Quốc. Khi đó, tự do thương mại, tự do hàng hải bị đe dọa sẽ ảnh hưởng”.

Ông Pedrozo cho rằng Trung Quốc đang “thử’ cộng đồng quốc tế để đo phản ứng với luật mới. “Luật này chỉ là một ví dụ khác cho thấy các nỗ lực của nước này trong việc ngăn chặn trật tự pháp lý quốc tế dựa trên luật lệ, vốn nhằm đảm bảo tất cả các quốc gia có thể sử dụng các vùng biển an toàn và hiệu quả mà không chịu sự can thiệp của các quốc gia ven biển”, ông nói.

Theo đó, Trung Quốc có thể sử dụng luật mới để triển khai thêm hải cảnh (CCG) và các tàu của lực lượng vũ trang quân đội hàng hải (PAFMM), duy trì sự hiện diện liên tục ở tuyến đầu Biển Đông và biển Hoa Đông, nhằm thúc đẩy các yêu sách hàng hải và lãnh thổ bất hợp pháp của mình.

Theo ông Pedrozo, về phương diện pháp lý, các nước trong khu vực cũng có thể tìm cách bác bỏ quy định mới của Trung Quốc thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS (Phần 15). Tuy nhiên, xét đến việc Trung Quốc từng từ chối tuân thủ phán quyết tòa trọng tài năm 2016 về Biển Đông, có thể thấy nước này khả năng lớn cũng sẽ không tuân theo các quyết định khác của bất kỳ tòa án quốc tế nào sau này.

Phương Anh-Song Hy((Video: Hữu Dánh))
Bình luận
vtcnews.vn