Do ảnh hưởng của COVID-19, nợ xấu tại nhiều ngân hàng trong quý 1 đã tăng và dự báo còn nguy cơ tăng nhanh hơn trong thời gian tới khi nhiều khoản vay của doanh nghiệp được cơ cấu giãn nợ, tiềm ẩn khả năng chuyển thành nợ xấu.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 cho thấy, tại các ngân hàng thương mại, tình hình nợ xấu không mấy khả quan.
Như tại TPBank, ngân hàng này ghi nhận nợ tại các nhóm 2,3,4 và 5 (nợ có khả năng mất vốn) đều tăng khá gần 54% so với thời điểm đầu năm, lên hơn 1.880 tỉ đồng, nâng tỉ lệ nợ xấu từ 1,29% ở thời điểm cuối năm 2019 lên 1,87%.
KienlongBank có mức tăng nợ xấu khoảng 6,5 lần so với thời điểm cuối năm 2019, từ hơn 340 tỉ đồng lên trên 2.238 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này trên tổng dư nợ cũng tăng từ 1,02% tại thời điểm 31/12/2019 lên 6,6% trong cùng kỳ năm 2020.
Saigonbank cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh từ 1,96% lên 2,65% chỉ trong 3 tháng đầu năm.
Một số khác có tỷ lệ nợ xấu tăng chậm hơn như tại VIB, từ 1,96% lên 2,19%, hay SeABank từ 2,31% lên 2,34%.
Trước hình hình nợ xấu tăng trong quý 1 và dự báo gia tăng trong thời gian tới, nhiều ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro cho vay trong 3 tháng đầu năm.
Vietcombank có mức tăng dự phòng rủi ro cho vay 3 tháng đầu năm khoảng gần 40% so với cuối năm 2019, TPBank trong quý 1 cũng tăng gần 19% so với đầu năm...
Song song với tăng trích lập dự phòng rủi ro, nhiều ngân hàng cũng liên tục rao bán nhiều bất động sản thế chấp có giá trị lớn để nhanh chóng thu hồi nợ trong những tháng vừa qua.
BIDV vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. Tài sản đấu giá là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (nợ gốc, lãi tạm tính đến ngày 29/3 là hơn 4.063 tỉ đồng).
Sacombank đang rao bán đấu giá quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù diện tích hơn 20.803 m2 thuộc dự án khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất khác đều ở quận 8 với tổng diện tích 12.669 m2. Tổng giá trị 2 tài sản này là 711 tỉ đồng. Hàng loạt lô bất động sản khác trị giá từ vài chục tỉ đến vài trăm tỉ đồng cũng được ngân hàng đưa ra bán đấu giá để thu hồi nợ.
Các ngân hàng thương mại khác cũng liên tục rao bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ là các bất động sản ở nhiều địa phương của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Tại cuộc họp trực tuyến Thủ tướng với các địa phương ngày 10/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng bày tỏ lo ngại nợ xấu sẽ tăng do những tác động của COVID-19.
Với hai kịch bản kiểm soát COVID-19, Ngân hàng Nhà nước cho biết trường hợp nào tỷ lệ nợ xấu cũng tăng so với năm 2019.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II và 2,6-3% vào cuối 2020.
Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay. "Thậm chí, nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém", báo cáo Ngân hàng Nhà nước nêu.
Đánh giá sơ bộ của cơ quan này cho thấy khoảng 2 triệu tỷ đồng (23% dư nợ tín dụng) tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, một số ngành chịu ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo 520.000 tỷ đồng (6,3% dư nợ nền kinh tế); nông, lâm, thuỷ sản khoảng 157.000 tỷ đồng; khai khoáng 45.000 tỷ đồng.
Bình luận