90 phút trận Việt Nam vs Avispa Fukuoka, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có tình huống vào bóng thô bạo của Quế Ngọc Hải với Kenta Furube. Một pha bóng nằm ở phía xa khung thành, chưa mang đến dấu hiệu đe dọa song trung vệ người Nghệ An vẫn có tình huống truy cản theo kiểu song phi, khiến tiền đạo Nhật Bản rời sân trong tột cùng đau đớn.
Video: Pha truy cản thô bạo của Quế Ngọc Hải
Có hai điều đáng nói ở đây. Thứ nhất, đây là pha vào bóng trong trận đấu mang tính hữu nghị. Avispa Fukuoka mang quân sang Việt Nam nhằm giải tỏa căng thẳng sau mùa giải thất bại. Tuyển Việt Nam tiếp đón đối thủ để tạo bước đà thuận lợi trước thềm AFF Cup 2016.
Một thế trận và thái độ khi đấu hòa nhã là điều đã được dự báo từ trước, khi Avispa Fukuoka chủ động hạn chế những pha vào bóng mang rủi ro cao với các cầu thủ chủ nhà. Cũng nhờ vậy, chúng ta hoàn tất nhiệm vụ tránh được chấn thương đáng tiếc khi giải đấu quan trọng chỉ còn cách toàn đội 8 ngày.
Tuy nhiên, chính tuyển Việt Nam lại gây nên nỗi đau và tổn thất lực lượng cho đội bạn - những người được VFF mời sang thi đấu.
Thứ hai, cũng là lí do khiến một bộ phận người hâm mộ tức giận với tình huống vào bóng nói trên: Đây không phải lần đầu Quế Ngọc Hải có pha vào bóng thô bạo với cầu thủ đối phương như vậy. Hơn 1 năm trước, Ngọc Hải là "tác giả" của pha vào bóng cực kỳ phản cảm, khiến Anh Khoa phải di chuyển bằng nạng.
Kết quả, Ngọc Hải bị cấm thi đấu dài hạn cùng gánh nặng tiền chữa trị cho "nạn nhân". Nhưng cái giá Anh Khoa phải trả sau tình huống vào bóng của Ngọc Hải còn khủng khiếp hơn rất nhiều. Cầu thủ này phải nghỉ thi đấu rất lâu, có thể chỉ trở lại ở nửa sau V-League 2017 và sẽ rất khó khăn để lấy lại phong độ, chứ chưa nói đến việc tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình.
Một tương lai, một sự nghiệp, tất cả có thể sẽ mất chỉ trong một phần nghìn giây "mất kiểm soát" như vậy của Quế Ngọc Hải.
Không có gì đảm bảo, Kenta Furube sẽ "bình yên vô sự" sau chấn thương trong trận đấu giao hữu có thể cướp đi sự nghiệp của mình. Sau pha phạm lỗi thô bạo với Anh Khoa, Ngọc Hải thừa nhận đã rút ra bài học cho mình. Tuy nhiên, một tình huống gần tương tự vừa qua có thể lấn át bất cứ lời xin lỗi hay giải thích nào từ cầu thủ xứ Nghệ hay những người bảo vệ cho anh.
Vì một lẽ, người hâm mộ thích nhìn hơn là nghe, thích chứng kiến hành động cụ thể hơn những lời nói vô nghĩa. Ở đó, mọi cầu thủ Việt Nam, chứ không riêng gì Quế Ngọc Hải, phải biết tự ý thức về việc bảo vệ đôi chân của mình và đối thủ.
Trên thực tế, tắc bóng hay xoạc bóng là những kỹ năng cần có của cầu thủ, đặc biệt là những hậu vệ. Truy cản như vậy sẽ ngặn chặn những tình huống tấn công nguy hiểm, giảm thiểu rủi ro cho khung thành trong những pha bóng khó.
Nhưng đổi lại, kỹ năng này có thể gây rủi ro nếu không được thực hiện đúng cách, nếu người thực hiện xoạc bóng chỉ nhăm nhăm lao vào đối thủ như "đồ tể", thay vì tính toán kĩ hơn để bảo vệ đối thủ, cũng như bảo vệ chính mình.
Truy cản là một nghệ thuật phòng ngự - yếu tố cần thiết đưa những Paolo Maldini hay Nesta lên tầm vóc huyền thoại. Dẫu vậy, truy cản chỉ có thể trở thành nghệ thuật khi người thực hiện thực sự có "tâm" với những gì mình đang làm. Máu lửa là điều cần có của các hậu vệ, nhưng máu lửa thế nào cho đúng cách? Ngọc Hải nên hỏi lại người thầy của mình.
Trên đôi chân của Danielle De Rossi - tiền vệ phòng ngự với lối chơi không ngại va chạm của Italia, có một hình xăm đầy ngụ ý. Thông điệp của nó rất đơn giản: Hãy bảo vệ đôi chân của mình cùng các đồng nghiệp. Bởi đằng sau một tình huống tấn công có thể chỉ là 1 bàn thắng trong 1 trận đấu, nhưng đằng sau một pha truy cản ác ý có thể là cả sự nghiệp, cả cuộc đời cầu thủ "gãy đoạn" khi đang bước vào độ chín.
Pha vào bóng đem lại nỗi đau cho "nạn nhân" của nó, song đó chỉ là nỗi đau nhất thời. Những tháng ngày vật lộn cùng chấn thương, cùng những dấu hỏi mơ hồ về tương lai khi trở lại, ấy mới là nỗi đau thực sự mà những người xoạc bóng đôi khi không thấu hiểu.
Đôi chân là vốn quý nhất của cầu thủ. Quế Ngọc Hải sống nhờ bóng đá, Anh Khoa cũng vậy và Kenta Furube chẳng phải ngoại lệ. Một cầu thủ chỉ vẹn toàn về đức, nếu anh ta trân trọng giá trị đồng nghiệp như giá trị của chính bản thân mình.
Con số 45 - số áo của Anh Khoa, được Quế Ngọc Hải lựa chọn như lời răn cho chính mình. Hôm nay, Ngọc Hải cần nhìn lại số áo đó một lần nữa, sau khi đã nhận bài học lớn từ pha xử lí vượt quá giới hạn của mình.
Hãy xoạc bóng có tâm.
Bình luận