• Zalo

Quay cuồng trong bão giá, dân Mỹ cắt khẩu phần ăn

Tư liệuThứ Hai, 13/06/2022 07:10:20 +07:00Google News
(VTC News) -

Tình hình lạm phát kỷ lục tại Mỹ đang khiến cho người dân nước này rơi vào hoàn cảnh lao đao khi họ phải toan tính nhiều hơn cho sinh kế hàng ngày.

“Tôi nhịn ăn. Đó là quyết định của những người làm cha, làm mẹ lúc này", Cathy Smith, 40 tuổi, mẹ của 5 người con, đang làm việc tại một trường học ở Atlanta, chia sẻ về cách ứng phó trong giai đoạn hiện nay khi giá cả lương thực, thực phẩm tăng vọt tại Mỹ.

Ít nhất mỗi tuần một lần trong bữa tối, Cathy Smith và chồng Robert, phải đối mặt với bài toán: Không để bọn trẻ bỏ bữa. “Tôi muốn đảm bảo các con có đủ khẩu phần ăn để chúng có thể phát triển. Chúng tôi đã ngừng mua ngũ cốc vì sữa quá đắt", Cathy Smith nói.

Quay cuồng vì bão giá

Không chỉ gia đình Cathy Smith, các gia đình Mỹ đang gặp khó khăn khi lạm phát tăng kỷ lục và giá tiêu dùng tăng vọt. Họ phải dành phần lớn thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu như chi tiêu vào các hàng tạp hóa, khí đốt và tiền thuê nhà.

Quay cuồng trong bão giá, dân Mỹ cắt khẩu phần ăn - 1

Giá cả hàng hóa tăng phi mã tại Mỹ.

Cục Thống kê Bộ Lao động Mỹ mới đây cho biết, lạm phát tại Mỹ gia tăng mạnh trong tháng 5, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981. Giá thực phẩm và xăng dầu đã tăng hơn 8,6%, giá khí đốt tăng gần 50% kể từ năm ngoái và đạt mức kỷ lục vào tháng 6.

Theo công bố về chỉ số chi phí nhân công mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, dù tiền lương và tiền công tăng 5% đối với người lao động khu vực tư nhân trong giai đoạn từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022, song mức lương của 20 triệu nhân viên làm việc trong chính quyền địa phương và tiểu bang ​​tại Mỹ chỉ tăng 3% cùng khoảng thời gian này.

Rõ ràng, khó khăn hiện nay của người Mỹ bao trùm mọi lĩnh vực, ngõ ngách các gia đình. Trong bối cảnh chi phí gia tăng, nhiều gia đình có trẻ em đang cảm thấy đặc biệt quá tải. Những thực phẩm tối thiểu, vốn dĩ luôn thường trực trong cuộc sống của người Mỹ trước đại dịch COVID-19 nay trở thành thứ hàng hóa đắt đỏ đối với nhiều người.

Câu chuyện về sự hy sinh của cha mẹ cho các con của mình đã trở nên phổ biến tại nước Mỹ những tháng qua. Giờ đây, họ phải từ bỏ những thú vui, sở thích vốn có trước đây.

Trở lại trường hợp của Cathy Smith, cô kiếm được 67.000 USD/năm. Chồng cô, người đang theo học thạc sĩ và làm tài xế Uber bán thời gian, mang về nhà khoảng 20.000 đến 30.000 USD mỗi năm.

“Các con tôi muốn gặp gỡ bạn bè và đi du lịch tới một vài nơi. Thu nhập của tôi sẽ đáp ứng được trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, điều đó hiện giờ dường như không thể. Hầu như các sản phẩm, dịch vụ đều tăng giá, song lương của tôi vẫn chưa tăng", Cathy Smith nói.

Candice Seawright, 35 tuổi, mẹ đơn thân, trợ giảng tại Mount Vernon ở New York, sống ở Stamford, bang Connecticut, gần đây đã phải cho con gái 8 tuổi thôi học lớp khiêu vũ do khó khăn về kinh tế.

"Con gái tôi thích học khiêu vũ và rất buồn khi không còn được đi học. Nhưng tôi không thể trả học phí và chi tiền xăng xe cho việc đưa đón", Candice Seawright cho hay.

Theo Candice Seawright, cô từng mua đủ những thực phẩm thiết yếu với 200 USD trong một lần mua sắm, nhưng bây giờ giá đã tăng lên hơn 300 USD cho cùng một lượng thực phẩm tương tự. Để các con mình đủ khẩu phần ăn trong ngày, Candice Seawright phải nhịn ăn, bỏ bữa tối của mình.

Candice Seawright cũng phải chậm thanh toán thẻ tín dụng của mình trong tháng qua và lo lắng điều này sẽ ảnh hưởng đến điểm thẻ tín dụng. “Tôi phải đảm bảo chi tiêu cho thức ăn, khí đốt, tiền thuê nhà và tiền điện trước khi thanh toán các hóa đơn thẻ tín dụng của mình”, Candice Seawright cho biết thêm.

Đó cũng là băn khoăn của Nicole Cardoza, một bà mẹ đơn thân đến từ Sacramento, bang California. Nicole Cardoza là nhà văn, làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận kiếm được 66.000 USD/năm. Tuy nhiên, cô không thể thanh toán các hóa đơn bằng thẻ tín dụng của mình trong những tháng qua.

“Bạn có một khoản tài chính, nhưng chi phí xăng, mua hàng tạp hóa gần như tăng gấp đôi. Thông thường tôi có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng của mình hàng tháng, song tôi không thể làm điều đó ngay bây giờ", Nicole Cardoza nói.

Cô có người con gái 2 tuổi bị bại não, nên luôn phải cân nhắc về chi tiêu, cân đối tài chính vì tình trạng bệnh của con gái mình. “Bất cứ điều gì xảy ra với con tôi sẽ là thảm họa về tài chính. Vì vậy, tôi luôn cố gắng thực sự chăm chỉ để sống trong khả năng của mình", Nicole Cardoza cho biết thêm.

Chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát khiến Nicole Cardoza không thể tìm thấy tã cho con gái mình tại trung tâm phân phối của nhãn hàng, thay vào đó cô phải mua chúng từ một cửa hàng cung cấp y tế địa phương với giá đắt đỏ.

Vào cuối tuần, đi bộ gần nơi mình ở là thú vui của Nicole Cardoza. Mặc dù rất thích xem phim, song Nicole Cardoza phải từ bỏ. Những đam mê khác như thưởng thức rượu và học yoga dường như là thứ xa xỉ với cô vào lúc này. Sinh nhật lần thứ 13 của con gái Nicole Cardoza cũng chỉ là bữa tiệc rất đơn sơ so với những lần sinh nhật trước đây.

Nó giống như việc bạn phải buông bỏ tất cả để linh hoạt, cải thiện cuộc sống của bạn", Nicole Cardoza than thở.

Quay cuồng trong bão giá, dân Mỹ cắt khẩu phần ăn - 2

Người Mỹ đối mặt với lạm phát cao kỷ lục.

Cơn đau đầu chính quyền Biden

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã tăng vọt kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái, từ mức trung bình 1,4% vào tháng 12/2020 lên 7% vào tháng 12/2021. Giá xăng cũng tăng từ mức trung bình 2,28 USD/gallon vào tháng 12/2020 lên 3,40 USD một năm sau đó.

Lạm phát được xem là “cơn đau đầu” với Nhà Trắng và Tổng thống Joe Biden. Nhà Trắng cho rằng lạm phát tăng chủ yếu vì các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng do COVID-19 gây ra, lực cầu hàng hóa nhiều hơn dịch vụ và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cách chi tiêu mạnh tay của chính quyền Biden đã khiến lạm phát tăng và các chính sách giảm thiểu phát triển nhiên liệu hóa thạch của ông Biden làm tăng chi phí nhiên liệu. Trong đó, ông Biden cũng ban bố sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.

Người dân Mỹ cho rằng lạm phát cao là vấn đề lớn nhất trong nước. Dự kiến đây sẽ là một trong những chủ đề tranh luận chính, gay gắt trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra cuối năm nay.

Lạm phát cao buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất nhanh nhất trong vòng 3 thập kỷ. FED đã tăng lãi suất 0,75 điểm cơ bản trong hai cuộc họp tháng 3 và 5. Thị trường Mỹ đang dự đoán FED sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay, có thể sang cả năm 2023.

Bằng cách nâng mức lãi suất cho vay, FED hy vọng sẽ hạ nhiệt chi tiêu và tăng trưởng đủ để kiểm soát lạm phát mà không khiến nền kinh tế đi vào suy thoái. Tuy nhiên, đây sẽ là bài toàn cân bằng không hề dễ dàng đối với FED.

Tổng thống Joe Biden gần đây nói rằng ngăn chặn đà tăng giá là "ưu tiên hàng đầu trong nước". Ông tuyên bố sẽ thúc đẩy cải thiện hơn nữa các chuỗi cung ứng và tiếp tục nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách.

Allison Schrager - nhà kinh tế và thành viên cấp cao tại Viện Manhattan, cho biết lạm phát đã làm tổn thương hầu hết các gia đình có thu nhập thấp. Họ đang phải chi tiêu phần lớn thu nhập cho khí đốt và thực phẩm.

Quay cuồng trong bão giá, dân Mỹ cắt khẩu phần ăn - 3

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực giải quyết vấn đề lạm phát tại nước Mỹ.

Theo Allison Schrager, trong bối cảnh tăng giá hiện nay, các gia đình có thu nhập cao có thể dễ dàng thay thế một chai rượu vang 30 USD bằng một chai có giá chi 20 USD. Tuy nhiên, điều này không dễ với những người có thu nhập thấp, họ thường có ít lựa chọn để thay thế.

“Họ đã làm mọi thứ có thể để vượt qua giai đoạn này. Nếu bạn là người có thu nhập thấp, có lẽ bạn sẽ mua sắm ở nơi rẻ nhất có thể. Bạn không có nhiều lựa chọn để thay đổi hành vi của mình”, Allison Schrager nói.

Nhưng không chỉ những gia đình có thu nhập thấp đang phải gánh chịu hậu quả từ bão giá hiện nay. Hầu hết những người kiếm được từ 65.000 - 100.000 USD/năm (khung thu nhập được coi là trung lưu vững tại Mỹ) cũng rơi vào tình cảnh tương tự, loay hoay đối phó với giá cả tăng vọt liên tục, hàng ngày.

Allison Schrager cho rằng mặc dù FED tăng lãi suất là một điều tốt, song bà tin rằng một số thay đổi trong chính sách tài khóa như mở rộng thương mại, nới lỏng nhập cư có thể giảm lạm phát trong trung và dài hạn.

“Những vấn đề có liên quan đến đại dịch COVDI-19 sẽ biến mất khi thế giới trở lại bình thường, nhưng lạm phát càng kéo dài càng đưa đến những hậu họa, bào mòn xương sống nền kinh tế", Allison Schrager nói thêm.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Mark Zandi tại Moody's Analytics cho rằng việc lạm phát tăng cao “không phải là điều bất ngờ” trong bối cảnh thế giới vẫn chưa thể vượt qua cú sốc COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động không nhỏ đến nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Lạm phát ở Mỹ trong thời gian tới vẫn sẽ chịu tác động từ hai sự kiện này. Ông Mark Zandi cho rằng "tình hình đại dịch cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể diễn ra theo chiều hướng lạc quan hơn”.

Dù dự báo về thị trường trong thời gian tới còn khó khăn, chuyên gia Zandi vẫn giữ đánh giá lạc quan: “Tôi tin lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt vào giữa năm 2023, thị trường sẽ sớm ổn định trở lại một thời gian sau đó".

Chuyên gia Mark Zandi tin rằng các chính sách tiền tệ của FED có hiệu quả. Ông nhận định hiện các chính sách vẫn đang hoạt động tốt lưu ý rằng không nhất định phải có sự thay đổi trong chính sách để vấn đề lạm phát được cải thiện.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn