Rằm tháng 7 âm lịch là ngày lễ Vu lan báo hiếu, cũng là ngày xá tội vong nhân. Tùy vào từng khu vực, vùng miền mà một trong 2 ý nghĩa này được nhấn mạnh hơn. Từ đó, phong tục, cách thức tiến hành cũng có những khác biệt.
Người miền Nam coi trọng Vu lan báo hiếu
Đối với người dân miền Nam, nhắc đến tháng 7 âm lịch và rằm tháng 7 là nhắc đến mùa Vu lan báo hiếu. Việc cúng cô hồn cũng được thực hiện chu đáo nhưng chuyện báo hiếu mới là ý nghĩa được nhấn mạnh nhất, tập trung nhất trong dịp này.
Lễ Vu Lan thường được tổ chức ở các chùa; một số gia đình làm lễ ở nhà bằng việc sắp một mâm cơm chay hoặc mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc. Khi cúng, mọi người thường đọc kinh Vu Lan để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức để những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Nhiều gia đình đi chùa để thắp hương và cầu xin cho cha mẹ quá cố được siêu sinh, an nghỉ.
Nguồn gốc của ngày lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục. Bà Thanh Đề (mẹ của Mục Kiền Liên) vốn là một người sống rất xa hoa, tham lam, độc ác và không tin vào Tam Bảo. Thường ngày, bà nấu rất nhiều thức ăn và làm vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Còn cậu bé Mục Kiền Liên - con trai của bà có tính tình hiền lành, chịu khó, trái ngược hoàn toàn với mẹ cậu.
Cậu bé luôn nhặt lại những hạt cơm của mẹ làm rơi xuống, rửa sạch đi rồi ăn lại chúng. Vì vậy, tất cả mọi người xung quanh và quen biết đều rất yêu mến, khen ngợi cậu hết lời. Sau khi bà Thanh Đề qua đời, Mục Kiền Liên đã xin xuất gia theo học Phật và trở thành đệ tử của Đức Phật. Khi có được phép thuật, Mục Kiền Liên liền dùng tuệ nhãn để tìm mẹ khắp nơi trong trời đất, cuối cùng cậu đã thấy mẹ nơi đại địa ngục.
Mục Kiền Liên trông thấy mẹ tóc tai rối xù, thân hình chỉ còn da bọc xương, đói khát, úp mặt xuống đất không thể ngẩng nổi đầu lên. Mục Kiền Lên đau xót vô cùng, ôm mẹ bật khóc rồi dâng cho mẹ một bát cơm ăn cho đỡ đói.
Thế nhưng, bà Thanh Đề vẫn còn quá sân tham, vì vậy khi đưa cơm đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Mục Kiền Liên đã bất lực khi nhìn thấy cảnh này, cậu càng đau xót khi không thể cứu được mẹ mình và quay về tìm sự giúp đỡ của Đức Thế Tôn.
Đức Phật nói nếu muốn cứu mẹ thoát khỏi kiếp đọa đày, được sanh về cõi lành thì ngày 15 tháng 7 Âm lịch, tức là ngày Tự Tứ của chư Tăng, cậu hãy mời tất cả các nhà sư lại và sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo để lấy phước cứu mẹ. Từ đó, ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm trở thành ngày tri ân, báo hiếu trong Phật giáo.
Người miền Bắc và tục xá tội vong nhân
Đối với người dân miền Bắc, rằm tháng 7 trước hết là ngày xá tội vong nhân, với ý nghĩa hỗ trợ, bố thí cho các vong hồn, trong đó có những vong hồn không nơi nương tựa, không người thờ cúng. Ngoài ra, việc thờ cúng, hồi hướng công đức đến những người thân đã khuất cũng là cách thể hiện lòng hiếu, một nét ý nghĩa quan trọng khác của rằm tháng 7.
Người miền Bắc thường cúng cô hồn vào bất kỳ ngày nào trong 2 tuần đầu tháng 7, tùy theo từng địa phương, nhưng ngày chính vẫn là ngày rằm.
Tục xá tội vong nhân được cho là bắt đầu từ quan niệm Diêm vương mở quỷ môn quan cho các vong hồn trở lại dương thế vào 2 tuần đầu tháng 7. Trong khoảng thời gian này, các vong hồn có thể gặp người thân, thụ hưởng lễ vật cúng kiếng của nhân gian, và phải quay về âm giới vào ngày rằm trước khi quỷ môn quan khép lại. Vì thế trong những ngày này, các gia đình ngoài việc cúng tổ tiên, người thân đã khuất thì còn cúng thí thực cho các cô hồn vất vưởng không nơi nương tựa, giống như một kiểu làm từ thiện trong thế giới tâm linh.
Nhiều học giả cũng cho rằng tục xá tội vong nhân ngày rằm tháng 7 xuất phát từ tích tôn giả A Nan Đà, một trong 10 đại đồ đệ của Đức Phật Thích Ca, gặp ngạ quỷ diệm khẩu (quỷ đói miệng lửa).
Kinh sách kể rằng, một đêm vào khoảng canh ba, đức A Nan Đà đang ngồi một mình trong tịnh thất thì một ngạ quỷ (quỷ đói) thuộc loại diệm khẩu (miệng lửa) hiện lên. Con quỷ này trông rất gớm guốc, thân thể khô héo, gầy quắt, mặt cháy đen, móng dài nanh nhọn, cái cổ họng dài và nhỏ như trôn kim, miệng nhả ra lửa. Khi bước vào tịnh thất, quỷ nói với A Nan Đà rằng: "Sau ba ngày nữa, mạng sống của thầy sẽ hết, lập tức thác sinh làm ngạ quỷ".
A Nan Đà hỏi quỷ liệu có cách nào để không phải tới cảnh giới đáng sợ đó hay không. Ngạ quỷ đáp, sáng hôm sau nếu tôn giả có thể bố thí ăn uống cho một lượng hằng hà sa số ngạ qủy, lại còn vì chúng mà cúng dường Tam Bảo, khiến chúng thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ để sinh về cõi trời thì ngài mới được tăng tuổi thọ.
Sau khi quỷ rời đi, tôn giả A Nan Đà lật đật đến chỗ Đức Phật ở, đảnh lễ dưới chân ngài rồi run rẩy bạch lại mọi chuyện: "Bạch đức Thế tôn, nay con làm sao lo liệu đủ số ẩm thực để bố thí cho các ngạ quỷ đó?".
Phật an ủi, bảo A Nan Đà chớ sợ hãi quá mà sinh lòng sầu não, ngài có cách giúp. Phật truyền dạy một bài chú đà la ni có thể giúp bố thí thực phẩm cho hằng hà sa số ngạ quỷ, khiến chúng cổ họng mở lớn để hưởng thụ vật cúng, lại giúp chúng loại trừ ác nghiệp, thoát cái thân khổ đau, sinh về cõi trời. Phật dạy rằng nếu A Nan Đà áp dụng bài chú này để bố thí cho ngạ quỷ thì cả phúc và thọ của bản thân đều tăng.
Phật cũng khuyên A Nan Đà đem cách này phổ biến để tất cả chúng sinh đều được cứu. Đây gọi là Kinh nói về đà la ni cứu ngạ quỷ diệm khẩu và cứu chúng sinh khổ đau.
Tục cúng vong linh bắt nguồn từ sự tích này nên người ta vẫn gọi cúng cô hồn là “phóng diệm khẩu”, nghĩa là thả quỷ miệng lửa. Về sau, nó được hiểu rộng thành nghĩa xá tội cho tất cả những người đã khuất, hay cúng thí thực cho những cô hồn vất vưởng, như ý nghĩa ngày xá tội vong nhân ngày nay.
Bình luận