• Zalo

Quan hệ phức tạp, lòng vòng trong công ty nhà Cường đô la

Kinh tếThứ Hai, 24/08/2015 06:58:00 +07:00Google News

Quốc Cường Gia Lai, công ty nhà Cường đô la chật vật khi hoạt động theo mô hình công ty gia đình.

(VTC News) – Hoạt động theo mô hình công ty cổ phần tuy nhiên tính chất mô hình công ty gia đình thể hiện rõ nét tại Quốc Cường Gia Lai với mối quan hệ phức tạp, lòng vòng trong tài chính.

Công ty gia đình

Mặc dù là công ty cổ phần nhưng Quốc Cường Gia Lai thực chất không khác nhiều so với các công ty gia đình trên thị trường khi mà người thân của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty nắm giữ nhiều vị trí quan trọng cũng như nắm giữ lượng cổ phiếu lớn tại Quốc Cường Gia Lai.

Cụ thể, chỉ riêng bà Loan đã nắm giữ tới gần 102 triệu cổ phiếu QCG, tương ứng 37,05% vốn công ty. Nguyễn Ngọc Huyền My, cô con gái của bà Loan sở hữu gần 40 triệu cổ phiếu QCG, tương ứng 14,32% vốn công ty. Như vậy, chỉ hai mẹ con bà Loan đã nắm giữ hơn 50% vốn Quốc Cường Gia Lai.

Bà Nguyễn Thị Như Loan và con trai Nguyễn Quốc Cường
Bà Nguyễn Thị Như Loan và con trai Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la)
Như vậy vẫn chưa hết, ngoài bà Loan và con gái, con trai và các em của bà Loan cũng ghi tên mình vào danh sách cổ đông công ty với số lượng cổ phần không nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, em gái bà Loan có gần 10 triệu cổ phiếu QCG. Trong khi đó, một em gái khác của bà Loan là bà Nguyễn Thị Bích Thủy nắm giữ số lượng ít hơn với 70.875 cổ phiếu QCG. Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la), con trai bà Loan có 537.500 cổ phiếu trong tài khoản.

Không chỉ chiếm ưu thế trong công ty về vốn, bà Loan và người thân còn lấn lướt các cổ đông khác về chức vụ. Chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc công ty do chính bà Loan đảm nhận. Con trai Cường đô la giữ vị trí Phó Tổng giám đốc kiêm phát ngôn.

Bên cạnh đó, tính chất mô hình công ty gia đình thể hiện rõ nét tại Quốc Cường Gia Lai ở chỗ Quốc Cường Gia Lai có mối quan hệ tài chính phức tạp với bà Loan và con gái.

Trong suốt thời gian dài, bà Loan, Nguyễn Ngọc Huyền My và Quốc Cường Gia Lai liên tục có mối quan hệ nợ vay. Khi thì hai đại gia Gia Lai cho công ty vay, khi thì công ty cho vay ngược trở lại hoặc cho bà Loan và con gái rút tiền tạm ứng. Có những khoản vay có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Cuối năm 2014, mối quan hệ nợ vay phức tạp mới chấm dứt khi Quốc Cường Gia Lai phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ. Nhờ đó, từ việc “trắng tay” tại công ty của mẹ, cô con gái Nguyễn Ngọc Huyền My trở thành cổ đông lớn với gần 40 triệu cổ phiếu. Cũng từ đó, bà Loan tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty.

Chưa hết, bà Loan sẵn sàng “cắm đất” của cá nhân để giúp công ty vay vốn. Quốc Cường Gia Lai đã thế chấp tài sản thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị Như Loan như 1 quyền sử  dụng đất ở TphCM, 2 quyền sử dụng đất ở Pleiku. Thậm chí, số cổ phiếu QCG của bà Loan cũng bị thế chấp.

Chìm trong khó khăn

Trong khi nhiều công ty bất động sản khác đã vượt khó và gặt hái được nhiều thành quả mới thì công ty nhà Cường đô lavẫn ì ạch dưới vạch xuất phát. Có nhiều nguyên nhân khiến công ty nhà Cường đô la chìm trong khó khăn. Dù không cân đo được “sự đóng góp” của từng nguyên nhân nhưng có thể thấy việc hoạt động theo mô hình công ty gia đình đang làm khó Quốc Cường Gia Lai.

Kết quả là trong suốt thời gian dài qua, cổ phiếu QCG liên tục giao dịch dưới mệnh giá. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/8, QCG dừng ở mức 6.300 đồng/CP.

Với mức giá rất thấp này, vốn hóa thị trường của Quốc Cường Gia Lai chỉ là 1.733,3 tỷ đồng. Trong khi đó, nêu theo mệnh giá, vốn hóa Quốc Cường Gia Lai phải là 2.751,3 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy công ty thiệt hại lớn như thế nào.

QCG không được nhà đầu tư quan tâm vì thường xuyên công bố báo cáo tài chính với những con số kém lạc quan. Trong báo cáo tài chính quý 2/2015, Quốc Cường Gia Lai một lần nữa khiến cổ đông thất vọng vì chỉ đưa ra khoản lợi nhuận 3,92 tỷ đồng trong quý 2 và 4,43 tỷ trong 6 tháng đầu năm.

Doanh thu trong kỳ tăng mạnh, đạt hơn 61,5 tỷ đồng nhưng trong ngành bất động sản, đây vẫn là con số vo cùng khiêm tốn. Tệ hơn, giá vốn hàng bán có tốc độ tăng mạnh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty thậm chí còn giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái xuống hơn 6 tỷ đồng.

Quốc Cường Gia Lai mới chỉ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 nên hiện tại vẫn chưa biết được chỉ số hàng tồn kho. Tuy nhiên, dự vào doanh thu khiêm tốn, có thể thấy, hàng tồn kho trong quý 2 của Quốc Cường Gia Lai vẫn là con số cao ngất ngưởng và không giảm nhiều so với 4.134,6 tỷ đồng trong quý 1/2015.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn