Ông Thierry Breton - Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU cho rằng chất bán dẫn là một phần vô cùng quan trọng trong chiến lược công nghiệp và khu vực địa chiến lược của chất bán dẫn không phải ở Mỹ hay ở châu Âu, mà là ở châu Á.
Hàn Quốc là đối tác chủ chốt trong kế hoạch về chất bán dẫn của Liên minh châu Âu (EU) và các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ điều này.
Ông Thierry Breton đưa ra tuyên bố trên ngày 30/9, trong bối cảnh khối này tìm cách mở rộng sự hiện diện của mình trong cuộc chạy đua công nghệ bằng cách "bắt tay" với Seoul.
Ông cho biết sẽ thảo luận về các cơ hội và mục tiêu tương lai liên quan Đạo luật chip châu Âu và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm các thỏa thuận đối tác kỹ thuật số với Hàn Quốc - quê hương của các nhà sản xuất chip danh tiếng như Samsung Electronics Co. và SK hynix Inc.
Ngoài ra, ông cũng dự kiến sẽ hội đàm cùng các bộ trưởng Hàn Quốc và có cuộc gặp với Giám đốc kinh doanh xưởng đúc của Samsung Choi Si-young và Giám đốc điều hành SK hynix Lee Seok-hee khi tham quan các cơ sở công nghiệp phụ trợ của họ trong chuyến thăm hai ngày tới Hàn Quốc.
Phát biểu với báo giới tại Seoul, ông Breton nhấn mạnh: "Chất bán dẫn là một phần vô cùng quan trọng trong chiến lược công nghiệp của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng thật công bằng khi nói rằng khu vực địa chiến lược của chất bán dẫn không phải ở Mỹ hay ở châu Âu, mà là ở châu Á. Hàn Quốc là một đối tác rất quan trọng trong vấn đề này".
Chuyến thăm của ông Breton diễn ra trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu làm giảm nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 của các công ty châu Âu.
Hồi đầu tháng 9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã ban hành Đạo luật chip châu Âu nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất, tăng cường khả năng nghiên cứu và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của khối liên minh này.
EU đặt mục tiêu sản lượng chip điện tử của khối này sẽ chiếm 20% thị trường toàn cầu vào năm 2030, tăng so với mức 10% hiện nay.
Chuyến thăm của ông Breton tới Hàn Quốc (sau điểm đến trước đó là Nhật Bản), có thể được coi là động thái của EU nhằm hối thúc Seoul xây dựng các nhà máy sản xuất chip và giúp EU đối phó với cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip điện tử.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp nhấn mạnh rằng giữa hai bên có rất nhiều cơ hội hợp tác và đều có lợi ích chung.
Samsung và SK hynix hiện chưa có nhà máy sản xuất chip ở châu Âu, mặc dù hai công ty này đều đã thiết lập các cơ sở nghiên cứu tại châu lục này.
Bình luận