Theo Bloomberg, tái xuất các chất bán dẫn qua Hong Kong sang đại lục trong nửa đầu năm nay tăng 11% với cùng kỳ năm 2019. Tái xuất tăng 21% chỉ trong tháng 6. Thị trường Hong Kong trung bình chiếm hơn 38% tổng chip nhập khẩu của Trung Quốc.
Trước sự kiện Bắc Kinh áp đặt luật an ninh đối với trung tâm tài chính châu Á, chính phủ Mỹ đã thu hồi tình trạng giao dịch đặc biệt với Hong Kong. Điều này sẽ khiến giao dịch thương mại trong các mặt hàng nhạy cảm sẽ giảm mạnh, trong đó có chip máy tính.
Viễn cảnh xấu nhất được dự báo cho các gã khổng lồ về công nghệ, nhập khẩu số lượng lớn chip điện từ như Huawei Technologies, Xiaomi hay Lenovo Group, là tính trạng khan hiếm nguồn cung trầm trọng sau khi quyết định của Mỹ áp quy định hạn chế xuất khẩu sang Hong Kong có hiệu lực.
Theo ông Victor Choi, Chủ tịch Hiệp hội Điện tử & Công nghệ Hong Kong, ước tính có khoảng 300 công ty chuyên về công nghệ đang đặt nhiều đơn hàng hơn cho các sản phẩm chip điện tử so với trước đây.
Huawei đã tìm cách trấn an khách hàng rằng, nguồn cung chip của họ vẫn còn nguyên mặc dù những hạn chế ngày càng tăng của Mỹ. Công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã dự trữ đủ hàng tồn kho để vượt qua những gián đoạn khó khăn trong ngắn hạn.
Nhìn chung, các công ty Trung Quốc đang tích cực tích trữ chip vì sợ những cú sốc chuỗi cung ứng tiếp theo, trong đó Hong Kong được xác định là một trong những nguồn cung chính.
Hong Kong từ lâu đã trở thành nơi xuất khẩu sản phẩm công nghệ đến Trung Quốc dựa trên ưu thế thuế thấp và hệ thống tài chính mở. Tình trạng giao dịch đặc biệt giữa Hong Kong và Washington cũng có nghĩa là các công ty tại Hong Kong có nhiều khả năng nhận được giấy phép nhập khẩu lớn hơn so với các thị trường khác.
Trong báo cáo đầu tháng này, công ty nghiên cứu công nghiệp TrendForce cảnh báo, việc loại bỏ tình trạng đặc biệt của Hong Kong sẽ khiến cho thị trường Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro, thiếu hụt chip điện tử.
“Trong trường hợp xấu nhất, các biện pháp trừng phạt rộng rãi hơn của Mỹ đối với Hong Kong và Trung Quốc sẽ khiến các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bán dẫn ra khỏi Hong Kong, sang một trung tâm trung chuyển khác ở châu Á”, nhà kinh tế Rory Green tại công ty nghiên cứu TS Lombard cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội Điện tử & Công nghệ Hong Kong Victor Choi cũng lưu ý, một số công ty thương mại ở Hong Kong đang tính đến khả năng thành lập văn phòng bán hàng mới ở Ấn Độ, Việt Nam hoặc Campuchia để tiếp tục bán cho khách hàng Trung Quốc. “Các chi phí sẽ tăng lên với các di dời như vậy”, ông Victor Choi nói.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh chấm dứt ưu đãi thương mại dành cho Hong Kong trong nhiều năm qua.
Bình luận