• Zalo

Phương Tây đổ bao nhiêu vũ khí vào ‘chảo lửa’ Ukraine?

Quân sựThứ Bảy, 04/06/2022 08:05:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tính tới thời điểm hiện tại đã có 31 quốc gia đang viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, đi đầu vẫn là Mỹ với cam kết gần 6 tỷ USD.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt (24/2), đã có 30 quốc gia tham gia viện trợ quân sự cho Ukraine dưới nhiều hình thức khác nhau. Phần lớn các viện trợ này đều dưới dạng gửi vũ khí trực tiếp, trong khi gói ngân sách chỉ chiếm một phần nhỏ.

Phương Tây viện trợ cho Ukraine những gì?

Tính đến tháng 5/2022, Mỹ vẫn đang là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, tổng các gói đã lên đến 4,6 tỷ USD, một phần của viện trợ bổ sung trị giá gần 40 tỷ được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó. Kèm với ngân sách viện trợ khổng lồ, Washington còn ưu ái cho Kiev mượn, thuê vũ khí dựa trên Đạo luật cho thuê quốc phòng Ukraine 2022.

Súng bộ binh

Súng và đạn dược chiếm một lượng lớn vũ khí được chuyển giao. Mỹ đã gửi cho Ukraine hơn 50 triệu viên đạn súng ngắn, súng trường và đạn pháo và hơn 7.000 súng bộ binh các loại.

Phương Tây đổ bao nhiêu vũ khí vào ‘chảo lửa’ Ukraine? - 1

Bản đồ các quốc gia trên thế giới đang viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Các quốc gia khác như Anh, Pháp, Đức, Canada, Hy Lạp, Litva, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania và Slovenia cũng viện trợ nhiều lô đạn dược và vũ khí bộ binh cho Ukraine chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến nổ ra.

Tính hữu dụng của lô súng đạn thông thường được viện trợ cho quân đội Ukraine cho đến nay vẫn chưa mấy rõ ràng, bởi Kiev cũng sở hữu một kho đạn dược khổng lồ không kém gì các nước châu Âu. Tuy nhiên việc bổ sung liên tục các loại vũ khí mới ít nhiều giúp quân đội Ukraine có thể tái trang bị cho các đơn vị trên tuyến đầu sau hơn 3 tháng xung đột với không ít tổn thất.

Phương tiện chiến đấu bọc thép

Quân đội Ukraine trước xung động sở hữu kho xe tăng, xe bọc thép có thể xem lớn nhất Đông Âu với gần 15.000 phương tiện các loại, trong đó xe tăng chiến đấu chủ lực lên đến 2,500 chiếc, xe thiết giáp 12.400 chiếc. Dù vậy lực lượng tăng thiết giáp Ukraine cũng chịu không ít thiệt hại từ các cuộc tấn công của Nga.

Mỹ một lần nữa đi đầu trong các quốc gia viện trợ với 200 xe thiết giáp chở quân M113, hàng trăm xe bọc thép Humvee, 72 xe tải đặc chủng kéo pháo, cùng với đó nhiều phương tiện cơ giới khác.

Phương Tây đổ bao nhiêu vũ khí vào ‘chảo lửa’ Ukraine? - 2

Sau 100 ngày xung đột, kho vũ khí của quân đội Ukraine đã suy hao một phần đáng kể và nước này cần đến gọi viện trợ từ Mỹ và châu Âu.

Một số quốc gia khác viện trợ xe thiết giáp cho Ukraine gồm Anh (150 chiếc), Australia (34 chiếc), Đan Mạch (50 chiếc), Litva (20 chiếc), Bồ Đào Nha (15 chiếc), phần lớn phương tiện này đều là xe thiết giáp chở quân M113.

Về xe tăng hiện chỉ có ba nước viện trợ cho Ukraine gồm Ba Lan (230 xe tăng T-72M1/MR), Cộng hòa Séc và Slovenia với một số xe tăng T-72M và M-84.

Tên lửa các loại

Phần lớn viện trợ tên lửa của các nước cho Ukraine là tên lửa chống tăng dẫn đường, tên lửa phòng không vác vai, tên lửa chống hạm các loại. Trong đó Mỹ đã gửi cho quân đội Ukraine hơn 7.000 tên lửa chống tăng Javelin, còn tên lửa phòng không vác vai Stinger là hơn 1.400 đơn vị, ngoài ra còn có 14.000 đơn vị vũ khí chống tăng các loại.

Ngoài ra, các nước khác cũng đang gửi các hệ thống phòng không ngắn và tầm trung cho Ukraine. Điển hình như Slovakia với một số hệ thống tên lửa phòng không S-300, Đức với các tên lửa phòng không IRIS-T SL và pháo phòng không Gepard và Anh với hệ thống phòng không Starstreak.

Về tên lửa chống hạm hiện chỉ có Anh và Đan Mạch viện trợ cho Ukraine.

Phương Tây đổ bao nhiêu vũ khí vào ‘chảo lửa’ Ukraine? - 3

Tên lửa chống tăng và phòng không vác vai là hai thứ binh sĩ Ukraine cần nhất nhưng chúng không thể giúp quyết định cục diện chiến trường.

Máy bay không người lái

Mỹ hiện vẫn là quốc gia viện trợ máy bay không người lái (UAV) nhiều nhất cho Ukraine với các máy bay trinh sát và “cảm tử” như Switchblade, Phoenix Ghost. Mới đây Washington còn có ý định bán cho Kiev các UAV tấn công tầm xa MQ-1C Gray Eagle.

Ngoài nguồn UAV viện trợ, quân đội Ukraine vẫn duy trì một số lượng nhất định các UAV tấn công Bayraktar-TB2 và UAV do thám RQ-20 Puma của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh UAV, Mỹ và một số quốc gia cũng đang tìm cách giúp Ukraine xây dựng lại lực lượng không quân, như việc Washington vừa viện trợ cho Kiev 16 trực thăng quân sự Mi-17. Một số quốc gia Đông Âu còn hỗ trợ Ukraine linh kiện hoặc máy bay đã qua sử dụng để sửa chữa số chiến đấu cơ hư hỏng trong xung đột.

Pháo tự hành

Ukraine hiện nhận được viện trợ đáng kể số lựu pháo và pháo tự hành từ các nước phương Tây. Trong đó Mỹ viện trợ 90 lựu pháo 155mm M777, Australia (6 khẩu M777), Canada (4 khẩu M777), Cộng hòa Séc số lượng không xác định pháo tự hành DANA và 2S1 Gvozdika, Estonia (9 lựu pháo D-30), Pháp số lượng không xác định pháo tự hành CAESAR, Đức (7 pháo tự hành Panzerhaubitze 2000), Ba Lan (18 pháo tự hành AHS Krab).

Chưa dừng lại đó mới đây, Mỹ và Anh cũng đưa ra cam kết viện trợ cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) HIMARS và M270. Tuy nhiên Ukraine phải cam kết không sử dụng các hệ thống vũ khí này tấn công vào lãnh thổ Nga.

Phương Tây đổ bao nhiêu vũ khí vào ‘chảo lửa’ Ukraine? - 4

Pháo binh Ukraine gần như "lột xác" với hàng trăm đơn vị pháo do các nước NATO viện trợ.

Phương Tây sắp hết vũ khí hạng nặng để gửi cho Ukraine

Giám đốc chính sách an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng 5 cho biết EU đã hết nguồn khí tài quân sự để hỗ trợ Ukraine. Hiện giờ sự chú ý để đổ dồn về phía Washington sau khi Nhà Trắng thông báo gói viện trợ 700 triệu USD tiếp theo cho Ukraine, Mỹ cũng là nước duy nhất đủ tiềm lực để viện trợ quân sự lâu dài cho Kiev. Dù vậy họ vẫn có những giới hạn.

Trong khi đó, ông Pierre Henrot - cựu sĩ quan pháo binh cấp cao từng phục vụ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là lính gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Balkan phân tích quyết định cung cấp vũ khí hạng nặng chưa từng có tiền lệ cho Ukraine đã hình thành từ cuối tháng 4. Cả Mỹ và EU cũng có những đắn đo nhất khi đưa ra quyết định này.

"Tôi nghĩ rằng các nước đồng minh đang đến gần giới hạn của những gì châu Âu và thậm chí cả Mỹ sẵn sàng cung cấp cho Ukraine, bất chấp những yêu cầu cấp bách mới của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đối với người châu Âu, họ chỉ đơn giản là không thể gửi thêm thiết bị hạng nặng, vì kho vũ khí của họ không còn nhiều nữa”, ông Henrot nói.

Phương Tây đổ bao nhiêu vũ khí vào ‘chảo lửa’ Ukraine? - 5

Có thêm nhiều vũ khí không đồng nghĩa cơ hội thắng của Ukraine trước Nga tăng lên. (Ảnh: EurAsian Times)

Theo ông, mặc dù quân đội Ukraine đang đối mặt với tình thế khó khăn nhưng, Mỹ cũng đạt đến giới hạn đối với loại vũ khí có thể cung cấp.

Mỹ, Australia và Canada đã đồng ý gửi lựu pháo 155 mm M777 đến Ukraine. Nhưng cựu pháo binh Pierre Henrot bày tỏ nghi ngờ liệu Kiev có được trang bị loại đạn Excalibur - có khả năng nhắm mục tiêu chính xác được dẫn đường bằng định vị GPS từ phạm vi 30 km trở lên - hay không, bởi vì một phát bắn có chi phí lên đến 80.000 USD.

Pháp đã cung cấp cho Ukraine pháo Caesar 155mm nhưng loại đạn này không tương thích với pháo M777. Hà Lan sẽ hỗ trợ Kiev 50 khẩu pháo, trong khi Đức gửi một số xe tăng phòng không Gepard đời cũ cho Ukraine, thay vì các xe tăng chiến đấu Leopard 2 mà Kiev mong muốn.

"Điều đó thực sự không thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường. Hơn nữa, các xạ thủ phải được đào tạo ở nước ngoài, và với tư cách là một chỉ huy pháo binh, tôi cho rằng bạn cần một năm để đảm bảo các đội pháo thủ hoàn toàn đủ khả năng sử dụng các loại pháo này”, ông Henrot nhấn mạnh.

Hậu cần là một điểm yếu khác trong kế hoạch hỗ trợ Ukraine của các đồng minh trong cuộc xung đột với Nga. Theo chuyên gia trên, những hệ thống chiến đấu này phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng phụ tùng và vũ khí. Các tuyến hậu cần có thể dễ dàng bị gián đoạn bởi lực lượng không quân và tên lửa hành trình của Nga. Có 1.250 km đường bộ từ biên giới Ba Lan đến Donbass với khá nhiều cây cầu bắc qua sông Dnepr đã bị nổ tung, và ngay cả đường ray xe lửa cũng không tương thích cho các chuyến tàu giữa Tây và Đông Âu.

Phương Tây đổ bao nhiêu vũ khí vào ‘chảo lửa’ Ukraine? - 6

Nhiều lô vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine chưa kịp đưa vào trang bị đã bị phá hủy. (Ảnh: Getty Images)

Ukraine cũng cần những phụ tùng thay thế của Mỹ hoặc châu Âu. Trong NATO, quy trình phân phối mọi thứ, từ súng ống đến dầu mỏ, đều được thực hiện bằng máy tính. Nhiều khả năng người Ukraine sẽ không được cấp quyền truy cập vào các máy tính cá nhân có khả năng xâm nhập vào mạng lưới hậu cần của NATO. Bởi lẽ, nếu chỉ một tiểu đoàn hậu cần Ukraine đầu hàng người Nga thì các thủ tục và thiết bị bí mật của NATO sẽ rơi vào tay Moskva.

Đáng chú ý, mối quan hệ giữa Kiev và EU vốn đã căng thẳng và có thể xấu đi nhanh chóng. Đức đã miễn cưỡng gửi vũ khí hiện đại, trong khi Hungary khiến Tổng thống Ukraine tức giận vì từ chối cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào ngoài viện trợ nhân đạo. Cho đến nay, chỉ có Ba Lan và các nước Baltic kiên quyết đứng về phía Kiev.

"Tất cả các thành viên châu Âu đều không đồng nhất lập trường, đặc biệt là về thiết bị quân sự. Nếu bạn để ý đến những khó khăn của EU trong việc xác định chính sách chung về cấm vận dầu thô Nga, bạn sẽ nhận thấy EU có thể dừng lại ở gói biện pháp trừng phạt thứ sáu và sẽ không đưa ra gói thứ bảy”, ông Henrot dự đoán.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp