Trước đó trong vụ nuôi thứ nhất năm 2012, hơn 6ha tôm nuôi đã bị dịch, chết sạch.
Theo các hộ nuôi, mỗi ha tôm được đầu tư trên dưới 600 triệu đồng nên tổng thiệt hại lên hơn 110 tỷ đồng. Trong đó nặng nhất là xã An Hòa với hơn 95% diện tích trên tổng số 40ha tôm thả nuôi bị mất trắng. Một hồ tôm bị dịch ở thôn Tân An, xã An Hòa, huyện Tuy An
Anh Nguyễn Thanh Nga, chủ 2 hồ nuôi tôm ở thôn Tân An, xã An Hòa cho biết: “Vụ này tôi thả nuôi trên diện tích 1,2 ha, chi phí tính ra gần 1 tỷ đồng gồm tiền thức ăn, thuốc, điện… Vậy mà toàn bộ số tôm được hơn một tháng tuổi bỗng dưng nổi đỏ đìa chỉ trong vòng vài ngày, giờ tôi không biết phải làm sao”.
Để vớt vát, một số hộ vội xả hồ, thu hoạch toàn bộ số tôm bán cho thương lái ở Bình Định, Nha Trang (Khánh Hòa), Sông Cầu (Phú Yên) với giá chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg (100 con) thay vì giá 83.000 đồng/kg. Hộ nào còn hy vọng thì cho chạy máy sục khí liên tục cả ngày lẫn đêm nhưng xem ra không mấy hiệu quả.
Theo nhiều người nuôi tôm có kinh nghiệm ở huyện Tuy An, tình trạng tôm chết hàng loạt có thể là do bị bệnh đỏ thân, khiến tôm nổi lên đỏ hồ hàng loạt vào ban đêm. Tuy nhiên, UBND huyện Tuy An lại nhận định, tôm chết hàng loạt có thể là do nhiễm bệnh viêm gan tụy. Hiện Cục thú y vẫn chưa có phác đồ điều trị loại bệnh này.
Trong khi chờ kết luận của ngành chức năng, UBND huyện Tuy An đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp chính quyền địa phương cấp tốc phun thuốc khử trùng, khoang vùng dập dịch nhằm bảo vệ các hồ nuôi chưa bị nhiễm bệnh.
Hoàng Vân
Bình luận