Sau khi nhận tin Bộ GD&ĐT cho phép Học viện Múa Việt Nam in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp theo quy định hiện hành, ông Hoàng Mạnh Cường, phụ huynh có con đã tốt nghiệp cho biết, ông tương đối hài lòng về cách xử lý này.
Về vấn đề học sinh không được cấp bằng THCS và THPT, theo ông Cường, việc cấp mã định danh cho những em đã tốt nghiệp hoặc sắp ra trường là điều bất khả thi. Với tấm bằng trung cấp chuyên nghiệp, học sinh cũng có thể học tiếp lên bậc cao hơn hoặc đi làm.
Bà Lưu Thị Thu Lan, phụ huynh có con vào trường từ năm 2017, đánh giá quyết định của hai bộ "tạm thời vá lỗi" cho những học sinh đã học xong.
Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn phân vân, không biết với những em đang theo học tại trường, bộ sẽ có phương án xử lý như thế nào.
"Trong cuộc họp ngày 1/4, đại diện trường cho biết hướng là kết hợp với trung tâm GDTX, cho học sinh học và thi theo chương trình này. Đây là cách làm đúng luật nhưng tôi không biết trường áp dụng từ khóa nào", ông Cường thắc mắc.
Cùng băn khoăn, bà Thu Lan cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như Học viện Múa Việt Nam, chưa đưa ra phương án giải quyết rõ ràng cho những học sinh đang học tại trường. Bà hy vọng nhân dịp này, bộ giải quyết dứt điểm, tránh trường hợp một vài năm sau, phụ huynh lại phải đấu tranh để con được cấp bằng.
Phụ huynh này hy vọng học sinh đang học tại Học viện Múa Việt Nam được cấp mã định danh ngay lập tức, đặc cách cấp bằng THCS hệ bổ túc cho những em đã hoàn thành chương trình THCS. Sau đó, học sinh có thể học tiếp chương trình THPT.
Bà Thu Lan đưa ra đề nghị như vậy vì lo lắng lúc con mình học xong, trình độ văn hóa của con là chưa tốt nghiệp THCS. Bà nói thêm gia đình định hướng cho con du học vì với chuyên ngành Ballet cổ điển, việc đào tạo 6 năm là chưa đủ. Nếu muốn du học, con bà cần đến bằng cấp, chứng nhận để có thể xin học bổng.
Về việc tại sao từ đầu không nắm thông tin học sinh Học viện Múa Việt Nam không được cấp bằng THCS, THPT, phụ huynh thừa nhận một phần lỗi do họ chưa tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, nhà trường cũng có trách nhiệm khi không thông tin rõ ràng.
Ông Hoàng Mạnh Cường cho rằng lẽ ra, trường phải thông báo rõ đây là môi trường đặc thù, học văn hóa và cấp bằng khác với trường khác. Như vậy, phụ huynh sẽ lưu ý để hỏi lại kỹ hơn.
"Trường không nói rõ ràng nên tôi không nắm được thông tin học sinh học xong không có bằng THCS, THPT", bà Thu Lan nêu ý kiến tương tự.
Người này nói thêm thời gian qua, khi biết không được cấp bằng, tâm lý của con bà chịu ảnh hưởng lớn. May mắn, bà cũng trong nghề nên thường xuyên động viên để con yên tâm học tiếp. Giáo viên cũng trò chuyện để học sinh không quá lo lắng.
Tuy nhiên, nhiều em, đặc biệt những em sống xa gia đình, tâm lý không vững, đã buông lơi, dẫn đến trốn học hoặc bỏ dở việc học. Vì thế, một lần nữa, bà Lan mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có hướng giải quyết cho học sinh nhập học từ năm 2017 trở lại đây.
Bình luận