Những ngày qua, dư luận xôn xao việc 325 học sinh, phụ huynh Học viện Múa Việt Nam viết đơn kêu cứu vì học hơn 6 năm văn hoá nhưng không được nhà trường cấp bất kỳ loại bằng nào từ bằng tốt nghiệp THCS, THPT đến bằng trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng liên thông.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầy Giấy (Hà Nội) cho biết, ở bậc THCS, việc xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh thuộc thẩm quyền của các phòng GD&ĐT đóng trên địa bàn, còn đối với bậc THPT, trách nhiệm này thuộc các Sở GD&ĐT.
Trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) có hai trường: Học viện Múa Việt Nam, Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Đây là hai trường nghệ thuật đặc thù có đối tượng tuyển sinh là học sinh THCS hoặc tốt nghiệp tiểu học.
Tuy nhiên, thời gian qua, chỉ có trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ có đề xuất phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy xét công nhận tốt nghiệp THCS cho học sinh của trường.
Trong khi đó, Học viện Múa Việt Nam chưa bao giờ đề xuất về việc xét công nhận tốt nghiệp THCS cho học sinh.
Tương tự, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, từ năm 2017 đến nay, Sở chưa nhận được đề xuất của Học viện Múa Việt Nam về việc xin cấp bằng THPT. Như vậy, các học sinh theo học chương trình văn hoá tại trường sẽ không đủ điều kiện để cấp bằng tốt nghiệp hay giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.
Sau nhiều lần né tránh câu hỏi của phóng viên về việc tại sao tổ chức dạy văn hoá nhưng không cấp bằng THCS, THPT từ năm 2012 đến nay, quyền Giám đốc Học viện Múa cho biết, trường vẫn dạy văn hóa theo quyết định từ năm 2004 để cấp bằng trung cấp, chưa bao giờ liên kết với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo văn hoá được cấp bằng theo quy định.
Ngày 31/3, 325 phụ huynh, học sinh từ K40 đến K43 đang học hệ trung cấp và sinh viên từ K2 đến K6 đang học hệ cao đẳng của Học viện Múa Việt Nam gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, báo chí về vấn đề bằng cấp của trường.
Phụ huynh cho biết, từ năm 2012 đến nay, trường Cao đẳng Múa (nay là Học viện Múa Việt Nam) liên tục tuyển sinh các lớp cao đẳng liên thông ngành diễn viên múa, thời gian đào tạo 6,5 năm - lớp Nghệ thuật biểu diễn kịch múa) và 4,5 năm - lớp Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc). Tính đến nay có 325 học sinh, sinh viên tham gia thi và trúng tuyển vào trường theo đúng quy trình, quy định.
Sau khi nhập học, trường tổ chức cho các em học song song chương trình đào tạo văn hóa và các môn chuyên ngành múa trong trường. Việc đào tạo văn hóa ở bậc THCS tại Học viện Múa Việt Nam có đầy đủ các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn, Sử, Địa, tiếng Anh, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Công nghệ; thiếu môn Thể dục và Âm nhạc.
Theo phụ huynh việc học được trường tổ chức học quy củ, có thời khóa biểu, có kiểm tra, có thi học kỳ và giấy báo điểm về cho phụ huynh học mỗi năm đều đặn. Những em có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu, trường sẽ yêu cầu thi lại, nghiêm túc như các trường THCS, THPT bình thường. Học hết lớp 9, trường tổ chức cho các học sinh thi chuyển cấp từ THCS lên THPT với hai môn Văn, Toán. Còn sau khi học hết lớp 12, trường tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp THPT riêng với ba môn Văn, Sử, Địa.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2019, học sinh, sinh viên và phụ huynh nhận được thông báo trường sẽ không cấp bằng tốt nghiệp THCS và THPT. Lý do, trường chưa có sự kết nối với Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy và Sở GD&ĐT Hà Nội nên học sinh không có mã định danh, học bạ điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ 325 học sinh, sinh viên từng học văn hoá bậc THCS và THPT là vô nghĩa, không có giá trị.
Hệ luỵ nặng nề hơn, do không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT nên toàn bộ học sinh, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo chuyên nghiệp không được cấp bằng trung cấp và cao đẳng.
Học viện Múa Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời chịu sự quản lý về giáo dục của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Từ năm 2017 trở về trước, trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Theo quy định, trước năm 2017, các trường trung cấp, cao đẳng được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc).
Người học sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) cũng được tham dự kỳ thi đại học.
Tuy nhiên, từ năm 2019, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối kiến thức văn hóa (4 môn) theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2018, để chỉ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không liên thông lên đại học được.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc thêm văn hóa cho học sinh của mình, chứ không được tổ chức dạy văn hóa như trước.
Bình luận