Tại cuộc họp báo giải quyết kiến nghị của 325 học sinh, phụ huynh về việc cấp bằng THCS, THPT chiều ngày 1/4, ông Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết, múa là ngành học đặc thù nên trường tuyển sinh các học sinh từ 12 tuổi học đến 18 tuổi ra trường. Học sinh vào học tại trường từ lúc còn nhỏ (khi mới học hết lớp 6 hoặc lớp 7,8). Vì thế các em phải tiếp tục học chương trình giáo dục phổ thông đồng thời với học kiến thức chuyên môn tại trường.
Video: Ông Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam trả lời báo chí ngày 1/4
Với đặc thù này, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định số 92 ngày 1/10/2004 về Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp (THCN) thuộc nhóm ngành múa.
Từ năm 2012 trở lại đây, trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS cho học sinh theo quyết định số 16 của Bộ GD&ĐT và chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT theo Thông tư số 16 năm 2010.
Từ năm 2012 đến 2013, trường mở thêm hệ đào tạo bậc cao đẳng diễn viên. Nhà trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Theo đó, trường được lựa chọn phương án tuyển sinh và tổ chức đào tạo theo đặc thù của nghệ thuật Múa, tuyển sinh và đào tạo diễn viên từ 12 đến 13 tuổi.
Chương trình đào tạo đặc thù, liên thông, tích hợp trình độ Trung cấp (giai đoạn 1) và Cao đẳng (giai đoạn 2). Trong quá trình tổ chức đào tạo, trường đã tổ chức thi chuyển giai đoạn và cho các em tiếp tục học chương trình cao đẳng và cấp bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Hải thừa nhận phần "lỗi kỹ thuật" khi thực hiện. Đồng thời học viện “quên” không đăng ký đầu vào với Bộ GD&ĐT hệ trung cấp mà chỉ đăng ký đầu vào là hệ cao đẳng. Thế nên khi học hết giai đoạn 1, dù vẫn phải thi tốt nghiệp trung cấp để chuyển lên học cao đẳng nhưng không thể có bằng trung cấp vì không đăng ký. Vì thế Bộ GD&ĐT không cấp phôi bằng trung cấp cho trường.
Đây là lý do dẫn đến việc 273 học sinh dù hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp tại trường nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. Trong khi theo quy định của Bộ GD&ĐT nếu có bằng trung cấp là đủ điều kiện đăng ký tuyển sinh đại học.
Về thắc mắc vì sao đào tạo văn hoá nhưng không cấp bằng, ông Hải thừa nhận thiếu sót khi chưa cam kết và giải thích rõ cho phụ huynh lúc gửi con vào trường học về việc trường không có thẩm quyền cấp bằng THCS, THPT.
Giải pháp trường đưa ra với các học sinh theo học từ năm 2021 đến 2016 này sẽ được cấp bù bằng THCS, THPT cho học sinh đã hoàn thành chương trình văn hoá tại trường. Tuy nhiên về thời gian khi nào cấp, người đứng đầu nhà trường cho rằng còn phụ thuộc vào quyết định các cơ quan chức năng cấp Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Ngày 31/3, 325 phụ huynh, học sinh từ K40 đến K43 đang học hệ trung cấp và sinh viên từ K2 đến K6 đang học hệ cao đẳng của Học viện Múa Việt Nam gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, báo chí về vấn đề bằng cấp của trường.
Phụ huynh cho biết, từ năm 2012 đến nay, trường Cao đẳng Múa (nay là Học viện Múa Việt Nam) liên tục tuyển sinh các lớp cao đẳng liên thông ngành diễn viên múa, thời gian đào tạo 6,5 năm - lớp Nghệ thuật biểu diễn kịch múa) và 4,5 năm - lớp Nghệ thuật biểu diễn múa đân gian dân tộc). Tính đến nay có 325 học sinh, sinh viên tham gia thi và trúng tuyển vào trường theo đúng quy trình, quy định.
Sau khi nhập học, trường tổ chức cho các em học song song chương trình đào tạo văn hóa và các môn chuyên ngành múa trong trường. Việc đào tạo văn hóa ở bậc THCS tại Học viện Múa Việt Nam có đầy đủ các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn, Sử, Địa, tiếng Anh, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Công nghệ; thiếu môn Thể dục và Âm nhạc.
Phụ huynh cho biết, việc học được trường tổ chức học quy củ, có thời khóa biểu, có kiểm tra, có thi học kỳ và giấy báo điểm về cho phụ huynh học mỗi năm đều đặn. Những em có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu, trường sẽ yêu cầu thi lại, nghiêm túc như các trường THCS, THPT bình thường. Học hết lớp 9, trường tổ chức cho các học sinh thi chuyển cấp từ THCS lên THPT với hai môn Văn, Toán. Còn sau khi học hết lớp 12, trường tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp THPT riêng với ba môn Văn, Sử, Địa.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2019, học sinh, sinh viên và phụ huynh nhận được thông báo trường sẽ không cấp bằng tốt nghiệp THCS và THPT. Lý do, trường chưa có sự kết nối với Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy và Sở GD&ĐT Hà Nội nên học sinh không có mã định danh, học bạ điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ 325 học sinh, sinh viên từng học văn hoá bậc THCS và THPT là vô nghĩa, không có giá trị.
Hệ luỵ nặng nề hơn, do không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT nên toàn bộ học sinh, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo chuyên nghiệp không được cấp bằng trung cấp và cao đẳng.
Học viện Múa Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời chịu sự quản lý về giáo dục của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Từ năm 2017 trở về trước, trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý).
Theo quy định, trước năm 2018, các trường trung cấp, cao đẳng được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc).
Người học sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) cũng được tham dự kỳ thi đại học.
Tuy nhiên, từ năm 2019, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối kiến thức văn hóa (4 môn) theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019, để chỉ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không liên thông lên đại học được.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc thêm văn hóa cho học sinh của mình, chứ không được tổ chức dạy văn hóa như trước.
Bình luận