Sau khi bị phanh phui việc cắt mác khăn 'Made in China' thay bằng ''Made in VietNam'', ngày 26/10, ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khải Silk đã xin lỗi người tiêu dùng và cam kết: "Chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ lô sản phẩm này và xây dựng lại việc quản lý sản phẩm và thương hiệu chặt chẽ hơn…
Với việc này, tôi biết thương hiệu đã bị ảnh hưởng và đây là cái giá phải trả. Chúng tôi sẽ cố gắng để thay đổi và vực dậy, lấy lại niềm tin của khách hàng".
Để xác tín lại lời nói của doanh nhân này, Phóng viên báo Gia đình mới đã thử đem một khăn lụa của Khải Silk giá 1,6 triệu còn nguyên bao bì, tem mác đến cả 2 cửa hàng của Khải silk ở Hà Nội để tìm hiểu quy trình đổi, trả sản phẩm.
Cả 2 cửa hàng đều đóng cửa
Chiều ngày 27/10, phóng viên báo Gia đình mới đã đem một sản phẩm khăn lụa Khải silk còn nguyên tem, mác đến cửa hàng của hãng để tìm hiểu quy trình trả hàng.
Khi đến địa điểm thứ nhất, cửa hàng Khải silk tại đại chỉ 26 Nguyễn Thái Học người viết thấy cửa hàng đóng kín. Không hề có bóng dáng nhân viên ra vào hay có bất kể một hoạt động gì ở địa điểm này.
Tiếp theo, phóng viên tìm đến địa chỉ thứ 2 của hệ thống cửa hàng này là 113 Hàng Gai, là cửa hàng nổi tiếng nhất của doanh nhân Hoàng Khải.
Cửa hàng có cửa cuốn tự động đang trong tình trạng nửa kín nửa hở mặc dù lúc này đang là tầm hoạt động nhộn nhịp nhất của khu phố cổ (17 giờ 30 phút). Sau một hồi kiên nhẫn gọi cửa, người viết được một nhân viên trong cửa hàng ra gặp.
Được biết phóng viên có nhu cầu trả hàng, sản phẩm vẫn còn nguyên tem, mác nhân viên cho biết cửa hàng sẽ tiếp nhận.
Tuy nhiên, điều kiện là phải có hóa đơn. Khi phóng viên giải thích đây là quà tặng thì không có hoá đơn thì nhân viên đã từ chối.
Theo giải thích của nhân viên cửa hàng 113 Hàng Gai, khách phải giữ đầy đủ hóa đơn thì mới có thể trả lại hàng để nhận tiền. Nếu không có hóa đơn (do là hàng tặng, hoặc hàng mua nhưng đã làm mất hóa đơn) thì cửa hàng không nhận lại.
Anh nhân viên này lý giải: "Nếu chị không giữ hóa đơn, chúng tôi cũng nhận hàng lại thì biết đâu lại nhận nhầm hàng kém chất lượng của đơn vị khác vào hệ thống?".
Sau lời giải thích ngắn gọn, anh nhân viên này lại lách người quay vào trong cửa hàng. Cửa hàng tiếp tục theo kiểu tắt đèn, khép cửa, không hề có dấu hiệu sẵn sàng cho hoạt động thu hồi sản phẩm.
Nếu doanh nghiệp có thiện chí, khách mất hóa đơn vẫn có thể trả hàng được
Theo chị Thu Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một khách hàng đã từng mua sản phẩm lụa tại cửa hàng 113 Hàng Gai, chị không có ý định đem trả sản phẩm để lấy lại tiền, mặc dù biết thông tin này.
Chị Trang nói: "Tôi không còn giữ hóa đơn, nhưng tôi nghĩ đó không phải là vấn đề chính. Nếu Khải silk làm ăn nghiêm túc thì không cần hóa đơn vẫn có thể biết sản phẩm đó thực sự có phải do mình bán ra không.
Nếu là hàng thương hiệu thì trên mỗi sản phẩm phải có mã số, sau khi bán phải lưu lại một liên của hóa đơn. Chỉ cần truy lại theo các thông tin đó là có thể biết đầy đủ ngày nào bán ra, bán ra giá thành bao nhiêu để hoàn cho khách hàng".
Câu chuyện "mua hàng phải giữ hóa đơn" không phải là thói quen của đa số người tiêu dùng ở Việt Nam.
Trừ khi mua một sản phẩm giá trị lớn như TV, tủ lạnh, điều hòa… mọi người sẽ lưu ý giữ lại hóa đơn vì liên quan đến chế độ bảo hành, còn các sản phẩm may mặc, mỹ phẩm, thực phẩm… hóa đơn thường sẽ… lên đường ra thùng rác một cách nhanh chóng.
Hiện tại, một số cửa hàng thời trang, trung tâm thương mại như Lotte, Parkson… vẫn chấp nhận đổi, trả sản phẩm khi khách hàng có nhu cầu nhưng trót đánh mất hóa đơn.
Video: Khaisilk nói 50% là lụa từ làng nghề truyền thống - Sự thật bất ngờ
Chị Phương Thanh (Hà Đông, Hà Nội), một khách hàng của nhiều cửa hàng thời trang cao cấp, nhận xét: "Theo tôi việc Khải silk nhận lại hàng không nên đặt nặng quá vấn đề thủ tục, quy định. Đây là sự xin lỗi chân thành, nỗ lực để lấy lại niềm tin của khách hàng, vực dậy một thương hiệu, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp với lời hứa…
Nếu ông Hoàng Khải nghiêm túc khi nói ‘cúi đầu xin lỗi khách hàng’ thì xin hãy chứng minh lời nói này bằng hành động".
Bình luận