Kỳ 2: Pho tượng linh thiêng
Theo lời cụ Trương Long, ông nội của cụ kể rằng, từ xa xưa, bãi biển Hải Giang (xã đảo Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn, Bình Định), là nơi người Chăm cư ngụ. Họ đã sinh sống ở đây rất lâu đời.
Người Chăm ở đâu, thì ở đó có chùa, tháp. Trong chùa, tháp của người Chăm thường có cổ vật quý, thậm chí đồ vật bằng vàng ròng.
Thế nhưng, vì một lý do nào đó, người Chăm đã phá tháp, đốt chùa, đem vật quý chôn xuống lòng đất, yểm bùa, rồi bỏ đi nơi khác.
Người Chăm cất giấu thứ gì mà dùng bùa yểm, thì không ai có thể lấy được, hoặc động vào thì mất mạng như chơi.
Thế nhưng, thứ bùa ấy dù linh nghiệm đến đâu, thì cũng chỉ được khoảng 500 năm mà thôi. Khi bùa hết linh nghiệm, thì những người có cơ duyên sẽ gặp được.
Pho tượng Phật Lồi được người dân khoác áo màu vàng |
Từ ngày phát lộ pho tượng, rất nhiều câu chuyện kỳ bí xảy ra ở xóm chài nghèo Hải Giang.
Người dân nơi đây còn kể mãi chuyện xảy ra từ đầu thế kỷ trước, đó là sự sống sót kỳ lạ của hai ngư dân làng chài.
Trước khi ra biển, người dân Hải Giang thường có thói quen mang nén nhang lên lưng núi, dập đầu trước pho tượng để xin được ra khơi bình yên. Hai ngư dân là ông Tạo và ông Khoa cũng cẩn trọng làm thủ tục tâm linh trước chuyến ra khơi.
Ngày đó, thuyền nhỏ, nên họ ra khơi xa lắm thì 3 ngày là quay về. Lần ấy, ông Tạo và ông Khoa ra biển đã 5 ngày mà không về. Người thân ra biển ngóng trông vô vọng.
Dân làng Hải Giang dong thuyền ra khơi tìm kiếm nhưng cũng không thấy bóng dáng con thuyền và ông Tạo cùng ông Khoa đâu.
Cụ Trương Long chỉ tấm bia sau lưng pho tượng và khẳng định là bùa |
Điều kỳ lạ đã xảy ra, sau khi cúng bái cầu xin tượng Phật Lồi, mây đen bỗng vần vũ, rồi sóng to gió lớn quật từ biển vào.
Hôm sau, người dân kinh ngạc khi thấy ông Tạo và ông Khoa lếch thếch, rách rưới đi bộ từ bãi biển vào bờ.
Hai ông kể rằng, sau 3 ngày ra khơi, đánh được đầy thuyền cá, chuẩn bị dong buồm về, thì sóng lớn đánh vỡ thuyền, rồi nhấn thuyền chìm nghỉm, chẳng còn thứ gì nổi trên mặt nước.
Trong hoàn cảnh chỉ có một phần nghìn sống sót, song hai ông vẫn hi vọng. Họ cố bơi trên những con sóng dữ, miệng cầu xin “ngài”, tức tượng Phật Lồi cứu giúp.
Lát sau, tự dưng có miếng nhựa lớn trôi đến, đủ chỗ cho một người nằm lên. Hai ông thay nhau nằm lên miếng nhựa để ngủ.
Người dân Hải Giang tin rằng tượng Phật Lồi bảo hộ cuộc sống cho ngư dân đi biển |
Câu chuyện kỳ lạ ấy đã gây xôn xao cả vùng. Tin rằng, pho tượng là vị thần bảo hộ cho cư dân làng chài, nên người dân đã dựng chùa, đưa pho tượng vào thờ, để tăng phần uy nghiêm, chứ không để pho tượng trong túp lều rách nữa.
Toàn bộ người dân Hải Giang đều sống bằng nghề biển. Biển khơi mênh mông, thân phận con người thì nhỏ bé như hạt cát, nên chuyện họ tìm đến một vị thần để gửi gắm niềm tin không có gì lạ.
Tuy nhiên, người dân ở Hải Giang thì tin tưởng tuyệt đối vào pho tượng Phật Lồi. Mỗi chuyến đi biển, họ đều kéo nhau lên chùa làm lễ. Chẳng cần mâm cao cỗ đầy, chỉ cần lòng thành là được.
Lời đồn về pho tượng bảo hộ ngư dân lan rộng, nên nhiều ngư dân ở vùng khác cũng thường xuyên tìm đến chùa dập đầu trước pho tượng kỳ bí.
Không ai đọc được những dòng chữ cổ trên tấm bia sau lưng tượng Phật Lồi |
Sở dĩ cụ khẳng định như thế, là bởi từ ngày pho tượng phát lộ khỏi lòng đất và được nhân dân thờ cúng, thì ở Hải Giang không có vụ chết người nào ngoài biển cả.
Trong khi, những làng chài khác trong vùng, chẳng năm nào không có người tử nạn ngoài biển khơi, thì người Hải Giang bình an vô sự cả thế kỷ nay. Nhiều người cũng đã gặp nạn ngoài biển, nhưng đều nhờ cơ duyên thần kỳ nào đó, mà họ được cứu sống.
Không chỉ những người đi biển có niềm tin, mà người dân ở Hải Giang có việc gì trọng đại, cũng đều đến xin ngài, mong ngài phù hộ.
Như mới đây, anh Nguyễn Văn Tại (43 tuổi, thôn Hải Giang) bị tai biến, thập tử nhất sinh, chạy chữa tốn kém mãi nhưng không hết, hàng ngày lên chùa cầu nguyện, xin tượng Phật Lồi phù hộ.
Thế mà, điều kỳ diệu đã đến với anh, bệnh tình cứ thuyên giảm dần và giờ thì anh lại ra khơi cùng với anh em ngư dân trong xóm. Theo cụ Long, rất nhiều bà mẹ lên chùa cầu xin, mà con cái mình đã thi đỗ đại học (?!).
Trong khi các nhà khoa học không đọc nổi những dòng chữ ở sau lưng pho tượng, thì người dân ở Hải Giang tin rằng đó chính là bùa chú, bởi chỉ có bùa chú mới không đọc được.
Thế là, người dân Hải Giang, nhà nào cũng có “lá bùa” treo trong nhà. Cứ đầu năm, người dân Hải Giang lại dập in những dòng chữ sau lưng tượng Phật Lồi đem về làm bùa may mắn.
Ai đi xa cũng mang theo bùa, học trò đi thi cũng có mảnh bùa trong túi sẽ tăng phần tự tin. Người dân nơi khác tin vào sự linh thiêng của lá bùa, cũng tìm đến chùa Linh Sơn vào ngày lễ hội đầu năm để “thỉnh bùa” cầu mong may mắn.
Ông Kiều Dũng, một người chăm, cũng là nhà nghiên cứu về người Chăm, hiện sống ở TP. Quy Nhơn cũng khẳng định bia đá sau lưng tượng Phật Lồi chính là bùa chú.
Người chăm xưa thường dùng nhiều bùa chú, nên thứ gì đã bị yểm bùa thường rất linh thiêng, không dễ gì xâm phạm. Những người động vào cổ vật Chăm đã bị yểm bùa, thì không điên khùng cũng mất mạng.
Người dân Hải Giang nói chung và cụ Trương Long nói riêng, tin tuyệt đối vào điều ông Kiều Dũng nói. Bởi, mặc dù các cổ vật quý của người Chăm đều bị săn lùng ráo riết từ thời Pháp, đến tận ngày nay, nhưng pho tượng Phật Lồi ngự ở sườn núi đã cả trăm năm nay, không được trông nom bảo vệ, mà không thế lực nào đánh cắp được.
Còn tiếp…
Dương Phạm Ngọc
Bình luận