Phó Thủ tướng: Đảm bảo cung cấp đủ điện, giảm lệ phí trước bạ ô tô trong tháng 6

Chính trịThứ Năm, 06/06/2024 12:11:49 +07:00
(VTC News) -

Sáng 6/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng làm rõ một số vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn.

Đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) đề nghị làm rõ thực trạng việc đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là cung ứng điện qua cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp.

Đại biểu Trần Nhật Minh cho biết, trong thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam, trong đó có những dự án công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn…Tuy nhiên một trong những vấn đề các nhà đầu tư quan ngại là việc đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là cung ứng điện qua cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết thực trạng của việc cung ứng điện phục vụ sản xuất hiện nay, trong đó có việc phục vụ các dự án tiềm năng này. Thực trạng đó ảnh hưởng thế nào đối với cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua và giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới?

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trong năm 2023 nước ta có giai đoạn thiếu điện cục bộ ở một số địa phương miền Bắc, gây ảnh hưởng sản xuất.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 6/6. (Ảnh: quochoi.vn)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 6/6. (Ảnh: quochoi.vn)

Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các công trình dự án điện và tháo gỡ vướng mắc về chính sách đầu tư, giải quyết khâu phân phối điện qua xây dựng đường dây điện 500 kV mạch 3 với thời gian thần tốc. Dự kiến cuối tháng 6 đường dây này sẽ hoàn thành, giải quyết điều tiết điện ở các vùng miền.

Chính phủ cũng đảm bảo đa dạng hóa nguồn điện, cạnh tranh điện thông qua xây dựng nghị định mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để phục vụ tự dùng (tự sản, tự tiêu). "Nhà nước đảm bảo cung cấp đủ điện và doanh nghiệp cần chủ động đảm bảo an ninh năng lượng", Phó Thủ tướng khẳng định.

Trước đó, tại báo cáo trước phiên chất vấn, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành triển khai hiệu quả Quy hoạch, Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện. Mục đích là bảo đảm an ninh năng lượng, không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống.

Ban hành nghị định giảm lệ phí trước bạ ô tô trong tháng 6

Nói về các nhiệm vụ giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để khoan thư sức dân, khôi phục niềm tin, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Hỗ trợ định hình các lĩnh vực kinh tế mới, các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật…

"Ngay trong tháng 6, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng", báo cáo nêu.

2,5 tỷ USD phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chính phủ cũng chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.

Chính phủ sẽ bố trí vốn dự phòng ngân sách trung ương để triển khai các dự án cấp bách, khắc phục sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn... bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Loạt giải pháp bình ổn thị trường vàng

Nói về những vấn đề nóng hiện nay mà đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng.

Theo đó, trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường vàng, Chính phủ, Thủ tướng đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng như đấu thầu.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra kịp thời xử lý nghiêm vi phạm, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu dân cư với cơ quan thuế thông qua đề án 06…

Từ ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC. Từ đó góp phần giảm chênh lệch giá vàng thế giới và Việt Nam, đang từng bước tiếp cận giá vàng thế giới.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của Nhà nước, công cụ thị trường hiệu quả, hiệu lực, kịp thời.

Sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý liên quan, nhất là nghị định số 24 phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn tình trạng vàng hóa, đô la hóa kinh tế.

Toàn cảnh Quốc hội họp sáng 6/6. (Ảnh: quochoi.vn)

Toàn cảnh Quốc hội họp sáng 6/6. (Ảnh: quochoi.vn)

Hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) trong thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực kiểm soát chặt chẽ lạm phát, tuy nhiên áp lực điều hành lạm phát vẫn còn rất lớn nhất là thời gian tới thực hiện triển khai cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng, công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát?

Trả lời câu hỏi chất vấn này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, trong bối cảnh hiện nay, lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu. Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trong khi chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương, điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được tỷ số lạm phát mà Quốc hội cho phép.

Phó Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để đảm bảo các mặt hàng mà Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.

Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng cho biết, chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Chính phủ đã đưa ra những giải pháp nhằm ổn định giá trị của đồng tiền, đảm bảo các tỷ giá đi đôi với chính sách tài khóa.

Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy và đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm. Đồng thời có nhiều chính sách tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Với các giải pháp này mà Chính phủ đã làm, với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát; điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn