Phó Thống đốc cho biết, theo số liệu gần nhất, mức giảm trung bình cho vay, nhất là khoản vay mới là 1 - 1,3%. Nhờ sự quyết liệt, 9 tháng nhìn lại, điều hành chính sách tiền tệ đã rất mạnh mẽ, chính sách tiền tệ nới lỏng ngay từ đầu năm; điều hành linh hoạt, hiệu quả, phù hợp.
Chính vì thế, lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn là 5,5-5,7%/năm, vay trung ngắn hạn là 5,8-10%/năm. Lãi suất của những khoản dư nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ và trả lãi thì có độ trễ, do huy động của các ngân hàng thương mại trước đây ở mức rất cao (9-12%).
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại khi chưa đến kỳ các doanh nghiệp trả lãi, ngân hàng và doanh nghiệp đều có sự thống nhất, hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn. Khối tín dụng chính sách cho người nghèo, hộ thu nhập cũng tăng rất cao là 8,19% và tổng dư nợ là 316.000 tỷ.
Cũng theo Phó Thống đốc, hiện nay tín dụng có tăng nhưng mức tăng so với năm ngoái vẫn còn thấp. Đến ngày 30/9, lãi suất huy động khoảng 5,9%/năm. Thời điểm năm ngoái, lãi suất huy động là 7,68%/năm. Lãi suất cho vay dự đoán là khoảng 6,1 - 6,2%/năm.
“Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng có tăng tuy nhiên chậm hơn năm ngoái. Nguyên nhân bởi nhiều lý do khách quan, tác động của nước ngoài và khó khăn của doanh nghiệp trong nước”, ông Tú nhấn mạnh.
Trước câu hỏi làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn tín dụng, Phó Thống đốc cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, từ đầu năm đã đặt ra vấn đề mở rộng tín dụng thông qua 11 giải pháp lớn. Cụ thể là đã tạo thanh khoản, dư địa cho tổ chức tín dụng.
“Không có câu chuyện thiếu room tín dụng cũng như các ngân hàng thương mại rất thoải mái nguồn lực cho vay. Ngân hàng sử dụng công cụ để tạo nguồn lực, hạ lãi suất để đầu vào của doanh nghiệp được giảm thấp”, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước nói.
Tiếp theo là hạ lãi suất điều hành 2% cho 4 lần, thông điệp của Ngân hàng nhà nước là với các tổ chức tín dụng là hạ lãi suất cho vay, điều này đang diễn ra rất tích cực. Đồng thời rà soát, có các văn bản quy phạm pháp luật tạo dư địa về pháp lý cho các tổ chức tín dụng cung ứng sản phẩm mới, tạo thêm cạnh tranh, điều kiện cho vay nhiều hơn…
“Thông qua các giải pháp trên, chúng ta rất mong tín dụng sẽ đạt mức như kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế. Hy vọng trong 3 tháng cuối năm, thông lệ tín dụng sẽ tăng nhanh lên. Ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn”, Phó Thống đốc nói.
Bình luận