• Zalo

Vay vốn ngân hàng này 'đảo nợ' ngân hàng khác: Lãi suất cao ngất và không dễ vay

Tài chínhThứ Tư, 20/09/2023 13:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước cho phép người dân vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác có hiệu lực từ 1/9 nhưng thực tế không dễ như mong đợi.

Với mức lãi suất ưu đãi được các ngân hàng tung ra trong thời gian qua, việc vay vốn ngân hàng để trả nợ ngân hàng khác được cho là cơ hội lớn cho những khách vay đang phải “gánh” mức lãi suất cao.

Tuy nhiên, thực tế việc triển khai các thủ tục vay không hề dễ và các chi phí phát sinh rất lớn, nếu cộng vào lãi suất cũng không hề thấp.

Nhiều điều kiện "khó đỡ"

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hai năm trước, chị mua bất động sản thuộc một dự án tại Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và được chủ đầu tư chỉ định vay 2 tỷ đồng qua ngân hàng đối tác. Năm đầu tiên, chị được hưởng ưu đãi lãi suất và ân hạn trả nợ gốc nên áp lực trả nợ không đáng kể. Thế nhưng từ năm thứ hai, khoản vay của chị Tuyết chịu lãi suất thả nổi 13,5%/năm, có lúc lên tới 14,5% khiến chi phí trả gốc lãi hàng tháng thành gánh nặng trong bối cảnh thu nhập kém hơn trước.

Khi biết tin được vay ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn để trả ngân hàng cũ, chị Tuyết đã tham khảo nhân viên tín dụng của ba nhà băng có chính sách này và được tư vấn gói vay lãi suất thấp hơn 3 - 5%/năm so với khoản vay hiện tại.

Vay vốn ngân hàng này để "đảo nợ" cho ngân hàng khác không hề dễ dàng. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Vay vốn ngân hàng này để "đảo nợ" cho ngân hàng khác không hề dễ dàng. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Theo đó, nhân viên tư vấn, mức lãi suất ưu đãi 6,8%/năm trong 6 tháng hoặc 7,3% trong năm đầu tiên. Hết thời gian ưu đãi, khoản vay sẽ được áp dụng lãi suất thả nổi khoảng 10,5%, vẫn thấp hơn 3% so với mức mà chị đang phải trả.

Đang mừng thầm thì chị Tuyết "ngã ngửa" khi ngân hàng đưa ra hai phương án. “Nhân viên tư vấn nói tôi chủ động vay 2 tỷ đồng ở bên ngoài rồi tự rút sổ và đăng ký như một khoản vay mới tại ngân hàng này. Phương án thứ hai, tôi có thể thế chấp một tài sản khác để lấy khoản tiền dùng cho mục đích trả nợ ngân hàng cũ. Cả hai phương án trên tôi không thể đáp ứng do không thể vay đâu được 2 tỷ đồng để trả ngân hàng cũ, cũng không còn tài sản nào khác để thế chấp nữa”.

Chị Phạm Thị Nhâm (quận Hà Đông, Hà Nội), vừa là khách hàng cá nhân đang vay 1,5 tỷ đồng để mua nhà, đồng thời cũng là kế toán trưởng của một doanh nghiệp, khá vui mừng khi biết có thể "đảo nợ" khoản vay. Song bên cạnh lãi suất, chị Nhâm còn băn khoăn về thủ tục chuyển đổi có thuận tiện cho người vay không.

“Quy định mới rất hay nhưng thực tế đi làm hồ sơ vẫn nhiều thủ tục rườm rà, bởi ngân hàng mới vẫn thẩm định, đánh giá khoản vay như thông thường”, chị Nhâm nói. 

Cái lợi lớn nhất khi dịch chuyển khoản vay là khách hàng phải trả lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, khách hàng lại phải gánh thêm một loạt chi phí, lớn nhất là chi phí phạt trả lãi vay trước hạn, hiện ở mức 1-3,5%, cộng với hàng loạt vấn đề liên quan tới tài sản đảm bảo, chi phí thẩm định lại hồ sơ…

“Hiện mức lãi suất cho vay đảo nợ đang thấp hơn 2-3% so với lãi suất cũ nhưng thủ tục lại phức tạp, khó tiếp cận nên có lẽ tôi phải tạm dừng vay, bởi nếu có vay sau này tính tổng chi phí phát sinh cũng thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng cũ không đáng kể”, chị Nhâm nói.

Các ngân hàng cho vay "đảo nợ" thế nào?

PV VTC News vào vai đại diện một doanh nghiệp có tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng, có nhu cầu vay vài chục tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh và "đảo nợ".

Tại một ngân hàng, khi liên hệ với nhân viên thì được biết, ngân hàng này có chính sách cho vay đảo nợ nhưng buộc khách phải có tài sản thế chấp. Số tiền được vay dưới 65% giá trị định giá tài sản.

Theo đó, ngân hàng này đưa ra ba mức lãi suất với ba mốc thời gian khác nhau cho các khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…). Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác, ân hạn nợ gốc 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

“Bên em sẽ giải ngân dư nợ của anh bên ngân hàng khác. Số tiền vay đủ dư nợ bên kia và thời gian cho vay bằng thời gian vay còn lại bên ngân hàng kia. Ví dụ anh nợ 5 tỷ đồng và còn vay 4 năm bên ngân hàng kia, bên em sẽ giải ngân 5 tỷ trả bên ngân hàng kia, thời gian vay bên em cũng là 4 năm”, nhân viên này cho biết.

Mức lãi vay phải trả và các chính sách mà nhân viên này đưa ra cho thấy, lãi suất 7,9% ở mốc thời gian lãi suất cố định kỳ đầu 6 tháng, thời gian vay tối thiểu là 36 tháng. Lãi suất 8,9% dành cho lãi suất cố định kỳ đầu 12 tháng, thời gian vay tối tiếu là 48 tháng. Lãi suất 10,5% dành cho lãi suất cố định kỳ đầu 24 tháng, thời gian vay tối thiểu là 72 tháng.

Sau khi kết thúc thời gian dành cho lãi suất cố định kỳ đầu, ngân hàng này sẽ thả nổi theo thị trường và cộng biên độ lãi vay 3,3%. Nếu khách hàng trả nợ trước hạn, mức phạt cho 2 năm đầu là 2,5% tổng số tiền thanh toán trước hạn và 1% cho năm thứ ba, từ năm thứ tư trở đi không phải chịu phạt.

Như vậy, có thể thấy, sau thời gian cố định lãi phải trả, mức lãi vay thấp nhất mà khách hành phải thanh toán cũng lên đến 11,2% và cao nhất là 13,8%, không thấp hơn mức lãi phải trả hiện tại.

Tại một ngân hàng khác, mức lãi suất cho khoản vay đảo nợ cũng không hề thấp. Cụ thể, ngân hàng này đưa ra mức lãi suất cho 4 mốc kỳ hạn vay: 6 tháng là 7,5%, 12 tháng là 7,8%, 18 tháng là 8,5% và 24 tháng là 9,5%.

“Sau thời gian cố định lãi suất, năm đầu tiên khách hàng phải trả theo mức lãi suất tham chiếu và cộng biên độ 2%. Thời gian còn lại, khách hàng phải trả theo lãi suất tham chiếu và cộng biên độ 3,5%. Nếu khách hàng trả nợ trước hạn, mức phạt cho năm đầu của tổng số tiền trả nợ là 1,5%, năm 2 - 3 là 2%, năm 4-5 là 1%. Từ năm thứ sáu, khách hàng không phải chịu phạt trả nợ trước hạn”, một cán bộ ngân hàng này cho biết.

Một ngân hàng nữa giới thiệu một gói vay “khá hấp dẫn”. Theo đó, thời gian khách vay tối đa lên 35 năm, mức vay tối đa lên đến 80% giá trị định giá tài sản. Nếu vay đảo nợ, ngân hàng này cũng sẽ giải ngân dư nợ trực tiếp cho ngân hàng mà khách hàng đã nợ, sau đó trực tiếp lấy hồ sơ, giấy tờ về cầm cố, mức vay, thời gian cho vay bằng khoản nợ, thời gian của ngân hàng cũ.

Về điều kiện mua nợ, khách hàng không bị nợ quá hạn ngân hàng cũ và xin được xác nhận nợ với ngân hàng cũ.

Về lãi suất, mức lãi suất cố định trong 3 năm đầu là 0,75%/tháng, tương đương 9%/năm. Sau 3 năm, lãi suất sẽ là 0,85%/tháng, tương đương 10,2%/năm. Nếu khách hàng trả gốc ở năm đầu tiên sẽ phạt 1% tổng số tiền thanh toán và năm thứ 2 là 0,5% tổng số tiền thanh toán.

Nhiều ngân hàng tham gia “cuộc đua” cho vay trả nợ. (Ảnh minh họa: VOV giao thông)

Nhiều ngân hàng tham gia “cuộc đua” cho vay trả nợ. (Ảnh minh họa: VOV giao thông)

Trường hợp nếu chuyển sang vay tín chấp, khách hàng phải đảm bảo điều kiện không có nợ xấu, có thu nhập ổn định tối thiểu 5 triệu đồng/tháng. Thời hạn vay 12- 60 tháng, hạn mức vay tín chấp tối đa là 500 triệu đồng.

Ở mức vay tín chấp, khách hàng phải trả mức lãi suất rất cao, từ 1,6 - 1,9%/tháng, tương đương với từ 19,2% - 22,8%/năm. Cùng với đó, khách hàng phải thanh toán chi phí xử lý hồ sơ khoản vay 100 triệu là 10 triệu đồng, 500 triệu là 50 triệu đồng, tức là chiếm 10% cho toàn bộ khoản vay. 

Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng quốc doanh tại Hà Nội cho biết, sau hơn nửa tháng triển khai, chi nhánh chưa phát sinh hồ sơ nào trong diện này.

“Với chính sách này, lãi suất cho vay có thể giảm nhưng không đáng kể. Khách hàng cũng không dễ dàng đảo nợ vì thủ tục và điều kiện để giải ngân khoản vay mới không dễ dàng. Ngoài việc khách hàng cần làm đơn yêu cầu trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ, thủ tục cho vay sẽ tương tự như giải ngân khoản vay mới...”, vị này thừa nhận.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn