Động thái diễn ra sau khi Philippines phản đối đạo luật mới của Trung Quốc, cho phép lực lượng hải cảnh của họ tiếp cận hoặc nổ súng vào các tàu nước ngoài trong vùng biển mà họ coi là lãnh thổ của mình.
Trung tướng Philippines Cirilito Sobejana cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường sự hiện diện thông qua việc triển khai nhiều khí tài hải quân hơn, nhưng tôi chỉ muốn nói rõ rằng điều này không nhằm hướng đến cuộc chiến chống lại Trung Quốc mà để đảm bảo an ninh cho dân chúng tôi”.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% Biển Đông và triển khai lực lượng hải cảnh ở toàn tuyến đường thủy quan trọng này. Theo Reuters, hải cảnh Trung Quốc thường đi cùng với một số lượng lớn các tàu đánh cá được coi là lực lượng dân quân hàng hải, mà một số nước cáo buộc quấy rối ngư dân của họ.
Sobejana cho rằng tuyên bố luật mới của Trung Quốc là "rất đáng báo động" và “vô trách nhiệm”. “Vì người dân của chúng tôi không đi đến khu vực tranh chấp để gây chiến mà để kiếm sống”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, Philippines chưa bình luận về các phát ngôn của tướng Philippines.
Năng lực hải quân của Philippines dù vậy còn hạn chế so với hạm đội hải quân và hải cảnh của Trung Quốc, theo Reuters. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hồi tháng 1 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận quốc phòng giữa Washington với Manila, cũng như việc áp dụng thỏa thuận này nếu Philippines bị tấn công.
Các tàu Mỹ thường xuyên tuần tra trên Biển Đông, gần đây nhất là hai nhóm tác chiến tàu sân bay tập trận chung ngày 9/2.
Bình luận