Theo người phát ngôn của Tổng thống, ông Salvador Panelo, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr trong cuộc họp nội các ngày 5/8 đề xuất đóng dấu thị thực Philippines vào hộ chiếu của công dân Trung Quốc muốn nhập cảnh thay vì đóng dấu vào tờ thị thực rời cho những người này. “Đề xuất này đã được Tổng thống phê duyệt", ông Salvador Panelo cho biết.
Quyết định của ông Duterte khép lại chính sách Philippines 7 năm từ chối đóng dấu hộ chiếu Trung Quốc có hình ảnh đường lưỡi bò.
Ông Locsin và phát ngôn viên điện Malacañang sau đó nói thêm trong các tuyên bố riêng rẽ rằng Philippines vẫn sẽ khẳng định chủ quyền của mình đối với Biển Đông, vì con dấu được sử dụng trên hộ chiếu Trung Quốc mang hình ảnh bản đồ Philippines với toàn bộ Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Con dấu này sẽ “đè lên” hình ảnh trên hộ chiếu Trung Quốc.
Đây được cho là cách chính phủ Duterte giải quyết những lo ngại rằng đóng dấu vào hộ chiếu Trung Quốc có đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) có thể được coi là sự công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông - điều đã bị tòa án trọng tài tuyên vô hiệu năm 2016.
Thậm chí, theo như cách nói của Ngoại trưởng Locsin, đây là một cách “Ăn miếng trả miếng", ông Locsin khẳng định, nói thêm rằng chính sách mới cũng sẽ giúp kiểm soát du khách Trung Quốc tốt hơn khi thị thực được đóng thẳng lên hộ chiếu.
Trong khi người phát ngôn Panelo cho rằng, chính sách thị thực mới là lời nhắc nhở các du khách Trung Quốc rằng Philippines đang có tranh chấp trên với Trung Quốc trên Biển Đông.
Thị thực mới cũng có thể được đóng trên hộ chiếu các nước khác.
Năm 2012, khi Trung Quốc lần đầu tiên phát hành hộ chiếu điện tử có hình ảnh đường 9 đoạn, chính quyền ông Benigno Aquino III khi đó phản đối và từ chối đóng dấu trực tiếp hộ chiếu. Thay vào đó, công dân Trung Quốc phải điền vào đơn riêng để Philippines đóng dấu.
Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia từ năm 2012 đến nay luôn phản đối hộ chiếu đường lưỡi bò của Trung Quốc và từ chối đóng dấu thị thực lên các quyển hộ chiếu này.
Đường 9 đoạn là một định nghĩa được Trung Quốc tự đưa ra nhằm ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, trong đó bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Tuyên bố về đường 9 đoạn của Trung Quốc bị các nước liên quan tới tranh chấp tại vùng biển này, trong đó có Việt Nam và Philippines, cực lực phản đối.
Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở The Hague, Hà Lan bác bỏ toàn bộ yêu sách đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bình luận