• Zalo

Phiên âm kiểu 'Tổng thống Uy-li-am Giép-phéc-xơn Cờ-lin-tơn' đã lỗi thời?

Ý kiếnThứ Năm, 27/05/2021 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thời đại 4.0, nên thôi viết tên nước ngoài theo kiểu "Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn", "xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin"... vì nó quá lạc hậu so với trình độ độc giả.

Hồi học cấp 2, khi bắt đầu tiếp xúc với môn tiếng Anh một cách bài bản, tôi nhớ mãi cách học của một số bạn có học lực yếu khi đó. Ấy là thay vì học và nhớ cách phát âm hoặc hiểu kiểu phiên âm trong từ điển, họ tự viết phiên âm các từ tiếng Anh ra kiểu "a bờ cờ" tiếng Việt. Vì dụ, "successful" thì họ viết bên cạnh là "sậc-sét-phun", "culture" thì viết "cao-chờ".

Tất nhiên khi đọc theo cách phiên âm tiếng Việt ấy, cậu ta làm cả lớp cười nghiêng ngả với những từ tiếng Anh sai hết.

Sau này, khi tình cờ đọc những bài báo với lối phiên âm na ná, tôi chợt nhớ tới cách học ngoại ngữ "buồn cười" thuở nào. Tuy nhiên, đến giờ, tôi không cười vui như trước nữa. Bởi kiểu viết “cựu Tổng thống Mỹ Uy-li-am Giép-phéc-xơn Cờ-lin-tơn” (William Jefferson Clinton), "Tổng thống Mỹ Bai-đơn” (Biden), “tỉnh Ba-đa-khơ-san, Áp-ga-ni-xtan” (Badakhshan, Afghanistan)... trên mặt báo khiến tôi cảm thấy xa lạ, mặc dù những tên riêng đó rất quen thuộc với tôi trong công việc hằng ngày.

Kiểu viết đó thực sự không còn phù hợp nữa, vậy nhưng không hiểu sao tới nay, người ta vẫn cố gắng duy trì? Ai cũng hiểu cách viết phiên âm “thuần Việt” như vậy là để cho độc giả biết cách đọc tên. Nhưng đó là độc giả "ngày xưa", khi ngoại ngữ là thứ quá xa vời với họ.

Ngày này, mặt bằng chung về trình độ ngoại ngữ đã tốt hơn rất nhiều rồi. Chưa kể, nếu không biết ngoại ngữ, không biết cách đọc thì các công cụ Internet thông minh và miễn phí sẽ giúp chúng ta tất cả.

Phiên âm kiểu 'Tổng thống Uy-li-am Giép-phéc-xơn Cờ-lin-tơn' đã lỗi thời? - 1

Cả người cao tuổi thích đọc báo giấy cũng sử dụng internet thường xuyên và không xa lạ với cách viết tên nước ngoài “nguyên bản”! (Ảnh minh họa)

Chỉ cần gõ từ ngoại ngữ đó lên công cụ tìm kiếm Google thì ngay ở phần đầu kết quả, công cụ dịch (Google Translate) đã tự dịch nghĩa, có phần phiên âm chuẩn kiểu từ điển, và đặc biệt có luôn phần "đọc" cho chúng ta nghe. Cực kỳ trực quan và dễ áp dụng.

Đã có một thứ vừa tiện lợi (ai dùng Internet thì khó nói rằng "không biết Google") vừa miễn phí mà báo chí vẫn giữ cách phiên âm "ngày xưa" thì thật khó hiểu.

Mà Google cũng có thể “bó tay” nếu tên nước ngoài được phiên âm theo kiểu “biến quen thành lạ” như trên. Có quá nhiều ví dụ về những cái tên vùng đất hay nhân vật nổi tiếng sau khi được phiên âm thì không ai nhận ra. Sẽ không ít người ngơ ngác tự hỏi “xứ Uên” là vùng đất nào, các cầu thủ “Ga-rét Bêu, Ca-rét-xma” là ai, để rồi ngã ngửa khi nhận ra đó đều là những cái tên rất quen thuộc: Xứ Wales, cầu thủ Gareth Bale, Quaresma…

Rõ ràng, kiểu viết tên theo phiên âm “cho dễ đọc” này lại làm khó độc giả trong việc tìm kiếm thông tin liên quan, thông tin mở rộng và sử dụng công cụ Internet để hỗ trợ.

Chưa kể, việc viết theo lối phiên âm máy móc đó nhiều khi còn gây cười dù nội dung hoàn toàn nghiêm túc, như “Xổm-xặc Kiệt-xụ-ra-nôn” (Somsak Kiatsuranont) hay  “Vi-rắt-pa-ních” (Wairatpanij)…

Nếu ai đó nói rằng, đấy chỉ là kiểu viết "báo in" thì thực sự không thỏa đáng! Bởi phiên bản "báo in" đó được đăng nguyên lên phiên bản điện tử. Độc giả xem báo in - kể cả người già - vẫn dùng internet và tìm kiếm trên môi trường này. Cho nên sự "dễ đọc" ấy thực là khó giải thích, khó phù hợp trong thời đại 4.0 ngày nay.

Khi xã hội và phần lớn độc giả đã theo kịp đà tiến bộ của công nghệ thời 4.0,  mà báo chí vẫn cố giữ cách viết phiên âm lạc hậu như vậy thì có phần bảo thủ, cố chấp.  Không nên nghĩ rằng viết như vậy cho độc giả dễ tiếp nhận, vì trình độ của độc giả thời internet, kể cả người cao tuổi, cũng đã vượt qua ngưỡng đó rồi.

(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Trung Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp