Bởi, tôi nghĩ đơn giản lắm, đã bị ung thư rồi điều trị thì sống thêm được bao lâu, một hay hai năm nữa?. Vì để sống thêm 1,2 năm với bệnh tật hoành hành mà bỏ đứa con của mình tôi thấy cuộc sống thật vô nghĩa. Hơn nữa, với một đứa trẻ ở ngoài có ai đánh hoặc bắt nạt nó thì còn có nhiều người bảo vệ, nhưng với đứa con đang còn ở trong bụng thì người duy nhất có thể bảo vệ chính là mẹ của nó. Vì thế, bằng mọi giá tôi cũng phải giữ lại con. Tôi nghĩ là người mẹ ở trong hoàn cảnh như tôi, ai cũng sẽ làm thế cả thôi...”. Đây là những bộc bệch của chị Nguyễn Thị Yên, ở thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội với chúng tôi về hành trình chiến đấu với bệnh tật để giữ con của mình. Câu chuyện diễn ra cách đây đã 3 năm nhưng với chị Yên là những tháng ngày không thể nào quên.
Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang
Chị Yên cho biết, mình lập gia đình muộn ở tuổi 32, chồng chị quê ở Phúc Thọ, chị ở Hoài Đức, hai vợ chồng thuê nhà ở Hà Nội, chồng làm nghề lái Taxi, vợ làm công nhân cho một công ty Hàn Quốc. Cuộc sống tuy không sung túc nhưng vui vẻ, ấm cúng. Hạnh phúc hơn khi ít tháng sau chị biết tin mình có thai. Chị bảo, lúc ấy mình nghĩ mình may mắn vì lấy chồng muộn nhưng cuộc sống cũng không quá khó khăn, lại được chồng yêu thương. Với đồng lương hơn 10 triệu hai vợ chồng sống tần tiện dành dụm thì cũng không đến nỗi nào.
Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, khi mang thai ở tháng thứ 4, chị Yên thường bị chảy máu cam, nghĩ là do thay đổi của thai kỳ, chị chỉ ngửa mặt lên trời một lúc thì lại hết. Nhưng nhiều lần bị như vậy, chị đã đi khám ở BV Bạch Mai và được phát hiện ung thư vòm họng.
Chị tâm sự, thấy bác sĩ gọi cả gia đình nội ngoại hai bên lên, sau đó thì thấy thái độ của mọi người rất khác. Chị đã có linh cảm không hay về bệnh của mình, nhưng gia đình vẫn giấu không cho chị biết. Chỉ đến khi tự cầm tờ đơn đi mua thuốc, đọc hàng chữ bác sĩ ghi trong đơn là K vòm họng, chị mới bàng hoàng. Lúc ấy mình lại không hề nghĩ gì về cái chết, mà chỉ nghĩ cho đứa con trong bụng mình. Bác sĩ và gia đình đã khuyên chị bỏ thai để điều trị.
Nhưng chị nói luôn sẽ giữ thai lại và từ chối điều trị hóa chất. Chồng chị cũng rất khó khăn để đưa ra quyết định, một bên là vợ một bên là con, nhưng anh vẫn khuyên chị nên điều trị hóa chất để kéo dài sự sống, sau này khỏe mạnh vẫn có thể sinh con, chị vẫn một mực từ chối. Chị bảo, bây giờ thai 5 tháng chứ nếu biết bị bệnh khi thai 2 tháng chị cũng không bao giờ chị bỏ con.
Biết không thay đổi được quyết định của chị, mọi người động viên chị là phải luôn vui vẻ, lạc quan để khi sinh ra cháu bé không buồn rầu, bi lụy. Vì nghĩ cho con nên chị luôn cố sống vui vẻ, không bi quan về bệnh tật mà luôn nghĩ đến ngày sẽ được nghe tiếng con bi bô gọi mẹ. Bác sĩ bảo, bệnh ung thư này 50% khỏi là nhờ tinh thần chính vì vậy chị phải luôn lạc quan. Các bác sĩ biết hoàn cảnh của chị nên cũng đã động viên giúp chị, quan tâm nhiều hơn, chính vì thế chị cũng bớt căng thẳng và lo lắng. Vì không thể can thiệp được gì nên bác sĩ cho chị về nhà.
Phép màu
Quyết định giữ lại con cũng chính là chị sẽ chấp nhận phải đối diện với những cơn đau do căn bệnh ung thư hành hạ.
Khi trở về nhà là những tháng ngàychị kiên cường chiến đấu với bệnh tật để giành sự sống cho con. Chị tâm sự, cơn đau đầu của chị càng ngày càng tăng, người nhà thấy chị đau cũng chỉ biết xoa đầu, xoa chân nhưng cũng không thể giảm. Những cơn đau kéo dài khiến chị vật vã, khổ sở, lăn lộn trên giường. Nhiều người làng đến thăm ai cũng lắc đầu và nghĩ chị khó thể qua khỏi. Bạn bè thương chị có người còn mắng chị, “sao ngu thế đẻ con làm gì, để giờ khổ cả mẹ, khổ cả con”.Vì không ăn được nên chị thường xuyên phải truyền dịch, có những ngày phải nằm trên giường 12 tiếng.
Đến cả thuốc giảm đau là thuốc duy nhất được bác sĩ chỉ định chị cũng hạn chế vì sợ ảnh hưởng đến con. Liều lượng dùng theo khuyến cáo là 4 tiếng một lần, nhưng chị thường kéo dài đến 5 ,6 tiếng thậm chí cố chịu đau để không phải uống thuốc. Vì đau nên cứ ăn vào là nôn ra hết, ăn ít, ngủ ít nên thai nhẹ cân, lúc này chị chỉ biết cầu nguyện cố gắng giữ con để khi con có thể khỏe mạnh để cất tiếng khóc chào đời. Và rồi, chị cũng “cầm cự” được đến khi thai 36 tuần tuổi, lúc này sức đã kiệt chị được gia đình đưa đi mổ tại BV Phụ sản TƯ, bé Cẩm Tú ra đời nặng 2,1kg.
Một sự kỳ diệu đối với chị, vì trước đó, lúc thai 34 tuần tuổi cháu chỉ được 1,5kg. Thế nhưng, ngày cháu Cẩm Tú cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày chị vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Trước đó, nhưng tháng ngày mang thai mắt chị đã bị mờ. Mặc dù không thể nhìn thấy mặt con, nhưng khi được nghe tiếng con khóc chào đời chị đã thấy hạnh phúc vô bờ. Chị đã làm được điều đã hứa với mình là phải mang lại sự sống cho con.
Sau khi điều trị hậu phẫu 3 ngày, tình trạng sức khoẻ của chị Yên ngày càng yếu đi, chị được chuyển sang Bệnh viện K Hà Nội, sau đó chuyển về BV 103 điều trị theo Bảo hiểm y tế. Cháu Cẩm Tú được đưa về nhà cho chị gái của chị chăm sóc.
Vẫn thấy mình may mắn, hạnh phúc
Sau những tháng ngày vật lộn với những cơn đau để giành giật sự sống cho con, chị lại bước vào một cuộc chiến mới, cuộc chiến cho sự sống của mình với hóa chất và xị trị cùng với những hi vọng mãnh liệt sẽ nhanh chóng được về bên con. Chị chia sẻ, những ngày tháng ở viện điều trị, cũng là những ngày kinh hoàng nhất đối với chị. Ăn không được, ngủ cũng không xong vì tác dụng phụ của hoá chất. Nhưng cứ nghĩ đến việc được về với con chị lại cố gắng nuốt dù đó chỉ là một chút nước đậu pha đường… Tình yêu của người mẹ đối với đứa con đã tiếp thêm cho chị sức mạnh để vượt qua những đợt xạ trị, hóa chất, chị đáp ứng hóa chất và sức khỏe dần tốt lên, chị được về nhà với con, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến con nên chị không dám bế con mà chỉ nằm nghe tiếng con ê, a. Rồi sau 10 tháng kể từ ngày Cẩm Tú được sinh ra lần đầu tiên chị được bế con trong vòng tay của mình.
Bé Cẩm Tú bây giờ đã gần 3 tuổi, rất thông minh, nhanh nhẹn, bé quấn mẹ. Chị bảo, Cẩm Tú không chỉ mòn quà vô giá mà chúa đã ban cho chị mà bây giờ con chính là đôi mắt của chị, dẫn chị đi chơi khắp làng. Mặc dù, cô bé 3 tuổi tinh nghịch này không ít lần dẫn mẹ đi xuống cống, nhưng cũng nhất định không cho ai dắt mẹ.
Hiện vợ chồng chị đang sống cùng bố mẹ đẻ trong căn nhà 5 gian tuềnh toàng, xuống cấp, đã vậy lại có đến 11 người. Vì thế người bà con thương hại đã cho vợ chồng chị mượn nhà ngoài xóm để tối có chỗ ngủ. Sáng sáng chồng chị trước khi đi làm anh lại dắt chị vào ở với ông bà. Anh chị cũng không thể về Phúc Thọ để sống vì không ai chăm được mẹ con chị. Bố chồng chị không còn, mẹ chồng chị bị tai biến nằm một chỗ bà cũng không thể tự chăm sóc được bản thân...
Sau tất cả những đau khổ đã trải qua, chị bảo chị vấn thấy mình may mắn hạnh phúc. Mặc dù hiện giờ cuộc sống của vợ chồng chị vẫn chồng chất những khó khăn, nợ nần, lo toan và tương lai không biết trước, nhưng cứ mỗi ngày nghe thấy tiếng bi bô của con gọi mẹ và những tình cảm ân cần của anh dành cho mẹ con chị là chị thấy viên mãn … với chị, hạnh phúc chị đơn giản vậy thôi!
Nguồn: Hồng Nguyên(Sức khỏe đời sống)
Bình luận