Theo đó, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh đã thực hiện xử phạt hành vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam do phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.
Mức xử phạt hành chính là 15.000.000 đồng và cơ quan chức năng cũng yêu cầu VINASTAS thu hồi các ấn phẩm do hiệp hội này đã phát hành để tiêu hủy.
"Thời gian thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong vòng 10 ngày kể từ ngày 23/5/2017," đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Trước đó, liên quan đến "lùm xùm" về nước mắm nhiễm Asen, thông cáo báo chí ngày 17/10/2016 của VINASTAS có dẫn chứng, theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng asen (Thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/L. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm Asen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của quy chuẩn này. Trong đó, hàm lượng asen tổng của các mẫu không đạt dao động từ trên 1,0 mg/L đến trên 5 mg/L.
Điều đáng chú ý là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định”.
Theo Bộ Công Thương, việc VINASTAS đồng nhất khái niệm asen nêu tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT với “thạch tín”, một chất cực độc, đồng thời khẳng định “95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định” là không đúng, không có cơ sở khoa học và gây nhầm lẫn, hoang mang cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, bài “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” trên trang web của VINASTAS ngày 18/10/2016 có nội dung “104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về Asen (thạch tín) - một loại á kim cực độc” là hoàn toàn không chính xác, không có căn cứ khoa học và pháp lý, gây hoảng loạn và bức xúc trong xã hội.
Từ thực tế kiểm tra, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương cho rằng, việc công bố thông tin sai lệch liên quan đến sản phẩm nước mắm của VINASTAS có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 12 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm: “Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh”.
Căn cứ kết quả kiểm tra và các đánh giá nêu trên, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VINASTAS cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung thông tin sai lệch về khảo sát nước mắm gây hoang mang trong dư luận, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo Điều lệ các cá nhân liên quan.
Video: Mục sở thị sản xuất nước mắm, dấm bẩn ở Hà Nội
Bình luận