Theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Đức), các nhà khoa học nhận thấy "sự mất ổn định gần như hoàn toàn trong thế kỷ qua" của các dòng chảy gọi là dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC).
Các dòng chảy này đã ở điểm chậm nhất trong ít nhất 1.600 năm, nhưng phân tích mới cho thấy chúng có thể sắp ngừng hoạt động.
Một sự kiện như vậy có thể gây hậu quả thảm khốc trên thế giới, làm gián đoạn nghiêm trọng những trận mưa ở Ấn Độ, Nam Mỹ, Tây Phi, gia tăng bão và hạ nhiệt độ ở châu Âu, đẩy mực nước biển ở ngoài khơi phía đông Bắc Mỹ lên cao. Nó cũng gây nguy hiểm cho các cánh rừng nhiệt đới Amazon và các tảng băng ở Nam Cực.
Sự phức tạp của hệ thống AMOC cũng như sự không chắc chắn về hiện tượng nóng lên toàn cầu trong tương lai khiến các nhà khoa học chưa thể đưa ra dự báo chính xác về thảm kịch này. Nó có thể diễn ra trong vòng 1,2 thập kỷ hoặc vài thế kỷ tới.
"Nhưng tác động khủng khiếp của nó đồng nghĩa nó không bao giờ được phép xảy ra", các nhà khoa học khẳng định.
Chuyên gia Niklas Boers - tác giả của nghiên cứu cho biết hiện tại ông và các cộng sự vẫn chưa rõ mức mức CO2 nào sẽ gây ra sự sụp đổ AMOC.
“Vì vậy, điều duy nhất cần làm là giữ cho lượng khí thải ở mức thấp nhất có thể. Khả năng xảy ra sự kiện có tác động cực lớn này tăng lên theo mỗi gam CO2 mà chúng ta đưa vào bầu khí quyển", chuyên gia này cảnh báo.
AMOC được thúc đẩy bởi nước biển mặn, đậm đặc. Nhưng sự tan chảy của nước ngọt từ tảng băng khổng lồ ở Greenland đang làm chậm quá trình này sớm hơn so với các mô hình dự đoán.
Chuyên gia Levke Caesar tại Đại học Maynooth ở Ireland - người không tham gia vào nghiên cứu cho biết nghiên cứu của Boers và các cộng sự không cung cấp chính xác thời điểm xảy ra thảm kịch, nhưng các phân tích của họ cho thấy AMOC đã mất ổn định.
"Nó như một lời cảnh báo về thời điểm AMOC sụp đổ sớm hơn chúng ta nghĩ", ông này cho hay.
Bình luận