Hạn mặn tại ĐBSCL đang gây ra những thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, gây thiệt hại về kinh tế, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt mà còn tác động đến sinh kế của người dân trong vùng. Tình trạng hạn mặn không phải là vấn đề mới xuất hiện tại khu vực này. Trước đó, vào mùa khô 2015 - 2016, các tỉnh ở ĐBSCL phải hứng chịu đợt hạn mặn lịch sử, ảnh hưởng trực tiếp đến 9/12 tỉnh ven biển, gây thiệt hại khoảng hàng chục nghìn tỷ đồng. Dự báo, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong thời gian tới.
Đứng trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL vạch ra các kế hoạch ứng phó. Nhiều giải pháp được đặt ra nhằm giúp nông dân tạm thời thích nghi được với điều kiện bất lợi của thiên nhiên như chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống cây ngắn ngày, chủ động nước tưới... Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp ứng phó tạm thời, không có nhiều tác dụng về lâu dài.
Việc xây dựng các công trình ứng phó hạn mặn góp phần giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra, tuy nhiên không phải là phương pháp tối ưu để giải quyết tình trạng này, bởi việc ứng phó với những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu là một quá trình dài, cần sự nhận thức, tích cực tham gia tìm kiếm các giải pháp và mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, mà trong đó thanh niên là lực lượng tiên phong.
Ngày 3/11 tới đây, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, tỉnh Đoàn Cà Mau sẽ phối hợp tổ chức Lễ phát động Cuộc thi toàn quốc nhằm tìm kiếm những sáng kiến, cách làm hiệu quả, giải pháp hay về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ tham dự cuộc thi từ ngày 03/11/2020 đến ngày 30/9/2021. Dự kiến trao giải thưởng vào tháng 12/2021.
Bình luận